Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán Vietcap (VCSC), tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư quý 2/2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã công bố kết quả lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận quý 2 đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với quý trước và tăng trưởng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của ACB. .
Về tăng trưởng tín dụng, ACB ghi nhận mức tăng 12,4% trong 6 tháng đầu năm 2024, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 6%. Trong đó, khoản cho vay cá nhân tăng 12,3%, cho vay SME tăng 7,2%, và mảng cho vay doanh nghiệp tăng mạnh đến 37,6%.
VCSC cho biết, ngân hàng vẫn duy trì khẩu vị rủi ro thận trọng mà không giảm chất lượng tài sản, cân bằng giữa cho vay bán lẻ và cho vay doanh nghiệp, mỗi mảng đều tăng 12% so với đầu năm. Đáng chú ý, ACB đã thiết lập nhiều quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp lớn, tạo động lực tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Về tiền gửi, ACB tăng trưởng đạt 6,2%, vượt xa mức trung bình toàn hệ thống là 2%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) duy trì ở mức 22,3% trong quý 2/2024, đi ngang so với cùng kỳ. Tỷ lệ cho vay/huy động đạt 82,2%, cao hơn mức trung bình toàn ngành là 78,7%.
NIM của ACB trong nửa đầu năm 2024 đạt 3,77%, giảm 11 điểm cơ bản so với năm 2023, do chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng và việc ACB chấp nhận giảm NIM để giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm các doanh nghiệp chất lượng.
Về thu nhập phí ròng (NFI), mặc dù hoạt động bancassurance gặp khó khăn, giảm 30% so với năm trước, nhưng ACB đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các dịch vụ thẻ, thanh toán quốc tế, và dịch vụ chứng khoán, qua đó giúp NFI thuần tăng 13% so với cùng kỳ.
Về chất lượng tài sản và chi phí tín dụng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong quý 2/2024, tăng 3 điểm cơ bản so với quý trước, nhưng có dấu hiệu tích cực khi tỷ lệ nợ xấu trong tháng 6/2024 đã giảm so với tháng 5. Tỷ lệ nợ xấu trước điều chỉnh CIC là 1,36%, với tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31% và mảng doanh nghiệp là 1,47%. Tỷ lệ nợ xấu mảng cho vay bất động sản là 1,79% (+40 điểm cơ bản so với năm 2023).
Chi phí tín dụng ở mức 0,2% và tỷ lệ bao phủ nợ là 76% trong nửa đầu năm 2024, cả 2 đều đi ngang so với quý 1/2023. ACB kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu quý 4/2024 sẽ thấp hơn 1,5%.
Theo quan điểm của VCSC, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của ACB là phù hợp với dự báo. Ngân hàng tự tin sẽ đạt được mục tiêu đã đặt ra tại ĐHĐCĐ năm 2024. Nhóm phân tích cho rằng mức tăng trưởng tín dụng cao, đạt mức 12,4% trong nửa đầu năm 2024 sẽ đóng góp tích cực vào thu nhập lãi ròng của ACB trong nửa cuối năm 2024, từ đó cải thiện NIM của ngân hàng.
Ngoài ra, VCSC kỳ vọng ACB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn vào năm 2024 nhờ chất lượng tài sản vượt trội so với các ngân hàng khác và mức CAR cao hơn so với yêu cầu tối thiểu của ngân hàng.