Báo cáo giải trình do ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank ký cho biết do nhiều nguyên nhân tạo nên chênh lệch lợi nhuận trên.
Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khởi sắc, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp phục hồi, cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. LPBank đã thực hiện giải ngân cho vay ngay từ đầu năm để đáp ứng vốn cho nền kinh tế dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Bên cạnh đó, LPBank tích cực đồng hành cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng.
Thứ ba, LPBank triển khai các sản phẩm mới, tăng cường các dịch vụ thanh toán, bảo lãnh trong nước và ngoài nước làm cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ làm cho chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Trước đó, LPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước và sau thuế tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 2.421,6 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả trên, LPBank hiện là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống trong quý II cũng như trong nửa đầu năm 2024.