Đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết, với 7 chương, 157 Điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.
Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro, thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã có các sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Về hoạt động nghiệp vụ, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
Luật Kinh doanh bảo hiểm bổ sung quy định cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm; các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, bãi nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc, chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.
Làm rõ hơn về bảo hiểm vi mô quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại diện Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra định nghĩa về bảo hiểm vi mô, các điểm đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Theo đó, sản phẩm bảo hiểm vi mô phải được thiết kế đơn giản, hướng tới các nhu cầu bảo hiểm cơ bản, phí bảo hiểm thấp nhằm phù hợp với với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.
Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép 2 tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô là "doanh nghiệp bảo hiểm" và "tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô". Đây là hai tổ chức phổ biến nhất cung cấp bảo hiểm vi mô trên thế giới. Doanh nghiệp bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh trên giấy phép, không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định không cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản nhưng vẫn cho họ đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, nếu không sử dụng hết vẫn có thể cho thuê.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm còn được đầu tư các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cũng như đầu tư các trái phiếu để xử lý nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản…
Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3%-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025 và 5 triệu đồng năm 2030.