Ông Yun-Han Lee, giám đốc Deloitte Consulting Đông Nam Á, chia sẻ về cách để giữ chân người lao động - Ảnh: N.X.
Tại hội nghị Nhân sự Việt Nam 2022 (Viet Nam HR Summit) do câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức tại TP.HCM ngày 15-9, ông Yun-Han Lee, giám đốc Deloitte Consulting Đông Nam Á, đã lý giải về nguyên nhân người lao động muốn “nhảy” việc nhiều sau COVID-19.
Tại hội nghị, bà Thoa Võ, quản lý nguồn nhân lực (Deloitte Consulting Đông Nam Á), cho biết trào lưu nghỉ việc ồ ạt đang "càn quét" từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và bây giờ là Việt Nam.
Chỉ tính trong quý I năm 2022, trên trang Linkedin (trang web tuyển dụng lớn hàng đầu thế giới) đã có tới 240.000 người Việt Nam cập nhật trạng thái "sẵn sàng cho công việc mới". Cho tới thời điểm này, bà Thoa Võ nhận định tỉ lệ này vẫn tiếp tục tăng.
Lý giải xu hướng nghỉ việc ồ ạt, ông Yun-Han Lee, giám đốc Deloitte Consulting Đông Nam Á, cho hay có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan trực tiếp tới COVID-19 như biến động ngành nghề, mất kết nối với đồng nghiệp, công ty... đặc biệt sự thay đổi về nhận thức và mong muốn về công việc.
"Mỗi khu vực lại có nhu cầu khác nhau, ở Hoa Kỳ nhân viên mong muốn tiếp tục làm việc từ xa, còn tại Trung Quốc có xu hướng muốn tìm kiếm tự do tài chính, tự làm chủ còn ở Ấn Độ thì muốn chuyển sang ngành nghề khác…", ông Yun-Han Lee nhận định.
Theo ông Yun-Han Lee, lương và thù lao không thoả đáng cũng là một vấn đề quan trọng, lạm phát hiện tại gây áp lực lớn khiến người lao động bỏ việc nhiều. Ngoài ra, không ít lao động bỏ việc vì mong muốn cuộc sống có ý nghĩa hơn và người lao động cũng muốn có quyền tự chủ nhiều hơn với công việc họ đang làm, cân bằng cuộc sống hơn.
Để hạn chế việc người lao động nghỉ, "nhảy" việc, giám đốc Deloitte Consulting Đông Nam Á cho rằng phải thay đổi trong tuyển dụng nhân sự, trong đó phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, phải tạo không gian làm việc linh hoạt.
"Trước đây lãnh đạo có thể càu nhàu vì không thấy nhân viên làm việc trong văn phòng, không biết nhân sự đó có đang làm việc nghiêm túc không. Nhưng bây giờ đã khác, cần có niềm tin với người lao động, thấu hiểu và tạo ra môi trường làm việc hiệu quả nhất", ông Yun-Han Lee nói.
Theo ông, thế hệ gen Z dễ dàng kết nối môi trường ảo và phối hợp nhịp nhàng với nhau từ xa nên cần thấu hiểu người trẻ và có cách quản lý phù hợp với từng độ tuổi nhân sự.
Tương tự, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc công ty Talentnet, cho biết khảo sát gần 11.000 lãnh đạo cấp cao, chuyên gia nhân sự của nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy việc thấu hiểu, thông cảm lẫn trong giai đoạn nhiều biến động này đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản trị nhân sự của doanh nghiệp.