Chị Nguyệt thường thèm đồ ngọt nên trữ nhiều bánh trong nhà, sau sinh con thường căng thẳng nên ăn uống thoải mái, tăng từ 62 kg lên 80 kg rồi 102 kg. Cân nặng tăng nhiều, chị mua thuốc giảm cân trên mạng uống dẫn đến ngất xỉu do mất nước, hạ đường huyết, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị béo phì. Lúc này chỉ số khối cơ thể (BMI) của chị 40,4 (kg/m2), béo phì độ ba - mức độ cao nhất.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết đây là trường hợp ăn uống không kiểm soát do trầm cảm và lo âu. Chị Nguyệt còn mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ ba, rối loạn mỡ máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ. Chỉ số mỡ nội tạng gần 250 cm2, cao gấp 2,5 lần mức an toàn, làm tăng tình trạng đề kháng insulin gây tăng đường huyết, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao. Mỡ nội tạng quá lớn làm tăng phản ứng viêm, nguy cơ gây một số vấn đề như sa sút trí tuệ, bệnh gout, hen suyễn, viêm xương khớp...
"Ăn để xả stress là tâm lý hết sức sai lầm", bác sĩ Hoàng nói, bởi có thể dẫn đến chứng ăn uống vô độ, ăn không kiểm soát và hệ quả là khôn lường.

Bác sĩ Hoàng tư vấn phương pháp giảm cân cho chị Nguyệt Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chị Nguyệt được điều trị theo phác đồ đa mô thức, kết hợp sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động hợp lý để vừa giảm cân, vừa giảm các bệnh đồng mắc. Chồng chị tranh thủ san sẻ việc nhà, chăm con, tạo điều kiện để vợ có thời gian vận động, giảm căng thẳng. Nhờ vậy, sau hai tuần chị Nguyệt giảm 2 kg, tiếp tục lộ trình giảm cân để đạt cân nặng phù hợp.

Chị Nguyệt đo bằng máy InBody để xác định các chỉ số quan trọng như BMI, mỡ nội tạng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Thừa cân, béo phì do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn, ít vận động, các bệnh nội tiết như suy giáp, hội chứng Cushing và một số bệnh lý về chuyển hóa... Để giảm cân hiệu quả, người bệnh không thể áp dụng công thức chung mà cần được chẩn đoán điều trị nguyên nhân kết hợp với giải pháp vận động và dinh dưỡng riêng.
Rối loạn ăn uống có thể gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe cả về mặt tâm lý và thể chất, tăng nguy cơ ợ nóng kéo dài và hội chứng ruột kích thích, gây tổn thương thực quản. Nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan đến chứng ăn vô độ như cholesterol máu cao, nồng độ triglyceride cao (chất béo trong máu)... có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về túi mật như sỏi mật, do lắng đọng của cholesterol hoặc mật trong túi mật.
Bên cạnh sử dụng thuốc, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bị rối loạn ăn uống như chị Nguyệt nên chia sẻ với người thân, bác sĩ để được hỗ trợ về tâm lý, học cách nhận biết và quản lý cảm xúc nhằm giảm stress. Đồng thời, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, protein từ các loại thịt, đậu. Bữa ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng, không bỏ bữa. Uống đủ nước nhằm giảm cơn đói và calo nạp vào kết hợp tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |