Doanh nghiệp

Data Talk | The Catalyst #6: Review Kết quả kinh doanh quý I/2025, tâm điểm ngành ngân hàng - chứng khoán

Tóm tắt:
  • Báo cáo kinh doanh quý I/2025 cho thấy lợi nhuận trung bình tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
  • Ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hai con số, đặc biệt nhóm ngân hàng nhỏ.
  • Các công ty chứng khoán đối mặt với giảm thu nhập từ hoạt động môi giới và tự doanh.
  • Tác động của thuế quan dự báo gây ra nhiều kịch bản biến động cho các ngành chủ lực.
  • Ngành ngân hàng ít bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng ảnh hưởng gián tiếp từ hoạt động xuất khẩu và FDI.

Đồng hành cùng chương trình Data Talk | The Catalyst #6 ng Nguyễn Tấn Toàn, Trưởng phòng Khách hàng Trực tuyến Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (Host), cùng hai diễn giả: ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàngông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Chứng Khoán Yuanta Việt Nam.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý I dần lộ diện

Theo ông Nguyễn Thế Minh, tính đến ngày 19/4, hơn 200 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 theo quy định của Ủy ban Chứng khoán. Qua số liệu hiện tại, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên thị trường đang xấp xỉ 20% so với cùng kỳ quý I/2024.

Trong đó, nhóm vốn hóa lớn (chiếm tỷ trọng khoảng 40%) – bao gồm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán – ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 20%, tương đương với tốc độ chung của thị trường. Riêng về doanh thu, dù có phần chậm hơn, nhưng nhìn chung vẫn là một mức tăng trưởng khá cao.

Đáng chú ý, ngân hàng tiếp tục là một trong những nhóm có tăng trưởng hai con số, dù có sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp trong ngành. Song song đó, bất động sản cũng đóng góp đáng kể nhờ việc bàn giao nhà từ cuối quý IV/2024, giúp quý I/2025 là thời điểm các doanh nghiệp BĐS ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất – chăn nuôi cũng đang dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong quý I, tạo điểm sáng cho bức tranh kinh doanh toàn thị trường. Về mảng xuất khẩu, nhất là thủy sản, quý I vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt ở những doanh nghiệp tập trung vào thị trường Trung Quốc – nơi GDP quý I tăng 5,6%.

Lợi nhuận ngành ngân hàng phân hoá rõ nét

Theo ông Lê Hoài Ân, dù vẫn hơi khó bình luận do đến thời điểm hiện tại khi mới chỉ khoảng 12 ngân hàng công bố số liệu. Nhiều “ông lớn” như BIDV hay Vietcombank vẫn chưa có số chính thức. VietinBank thì đã có, Techcombank mới công bố hôm qua..., nên thông tin cần cập nhật liên tục.

 

 

 

Số liệu 11 ngân hàng đã công bố tính đến ngày 21/4 cho thấy sự phân hóa khá rõ. Trước khi đi vào con số, cần lưu ý ngành ngân hàng luôn được quan tâm. Việt Nam  có hơn 1.600 công ty trên sàn nhưng chỉ 27 ngân hàng niêm yết. Tuy vậy, 27 ngân hàng này chiếm 40% vốn hóa và lợi nhuận lên tới 50% toàn thị trường. Do vậy, bất kỳ thay đổi tích cực nào trong lợi nhuận hay giá cổ phiếu ngân hàng đều có thể thúc đẩy mạnh thị trường.

Đầu tiên, qua những ngân hàng đã có báo cáo, chúng ta thấy mức độ phân hóa cao. Một số ngân hàng lớn tăng trưởng lợi nhuận âm hoặc rất thấp, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ hơn lại ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Trong đó, nhóm quốc doanh mới có VietinBank công bố, tăng trưởng lợi nhuận chỉ ~6% so với cùng kỳ. Năm 2024, VietinBank có tăng trưởng ấn tượng, nhưng quý I/2025 chậm lại.

Nhóm thiên về bán lẻ như ACB, VIB, TPBank: Trừ TPBank, hai ngân hàng ACB và VIB đều tăng trưởng âm. Đây vốn là những ngân hàng cho vay mua nhà/xe cá nhân, song bối cảnh kinh tế khó khiến nhu cầu tín dụng bán lẻ giảm.

Nhóm khác (Nam Á, ABBank, VietABank…) lại tăng trưởng ấn tượng. Nếu các ngân hàng quy mô nhỏ khác cũng công bố, có khả năng “ông nào” cũng tốt. Tình huống này đặt ra câu hỏi “tại sao ngân hàng lớn kinh doanh khó, ngân hàng nhỏ lại có biên lợi nhuận cao?”

Nguyên nhân do năm 2024, nhiều ngân hàng lớn hoặc nhóm “bán lẻ” khó khăn do NIM giảm, sự cạnh tranh khốc liệt trong cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ lại tìm thấy “ngách” từ những dự án bất động sản, DN lớn mà ngân hàng lớn không tiếp cận. Kết quả, quý I/2025, nhóm ngân hàng nhỏ ghi nhận lợi nhuận bứt phá, còn một số ngân hàng lớn hoặc bán lẻ “truyền thống” thì tăng trưởng thấp.

 

 

 

Thứ hai và về tốc độ tăng trưởng. Dù tín dụng năm 2024 tăng tốt, thu nhập ròng từ hoạt động tín dụng không tăng tương ứng. Nếu tín dụng toàn ngành niêm yết tăng 18%, thu nhập ròng chỉ tăng ~14%, cho thấy NIM sụt giảm đáng kể. Phí dịch vụ (bán chéo bảo hiểm, trái phiếu) cũng giảm, buộc các ngân hàng tập trung kiểm soát chi phí hoạt động. Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI..., qua đó tiết giảm chi phí và duy trì tăng trưởng lợi nhuận.

Về kiểm soát chi phí hoạt động, năm 2024, đa số ngân hàng rót vốn lớn cho công nghệ. BIDV, Techcombank, MB... đều đầu tư mạnh. Techcombank chi gần 6.500 tỷ, cao gấp đôi nhiều ngân hàng quốc doanh. Đầu tư công nghệ thúc đẩy hiệu quả hoạt động: Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình ngành giảm từ 40% xuống 30%. Trong quý I/2025, bức tranh cho thấy các ngân hàng nào làm tốt mảng công nghệ – quản trị chi phí có nhiều cơ hội nâng cao lợi nhuận, bù đắp sự suy giảm NIM.

Tóm lại, với 12 ngân hàng đã công bố, ta nhận thấy có sự phân hóa mạnh giữa nhóm lớn và nhóm nhỏ; NIM giảm do chênh lệch lãi suất và cơ cấu vay thay đổi; cắt giảm chi phí hoạt động trở thành “chìa khóa” giúp ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.

Ba sức ép giảm lợi nhuận của các công ty chứng khoán

Theo ông Nguyễn Thế Minh, khi quan sát kết quả kinh doanh quý I của nhóm chứng khoán, có thể thấy mức lợi nhuận khá khiêm tốn so với cùng kỳ, cũng như so sánh với một số quý gần đây. Tuy có những công ty vẫn đạt mức tăng trưởng đột biến, nhưng cũng tồn tại không ít công ty bị tăng trưởng âm hoặc thậm chí ghi nhận khoản lỗ trong quý I. Nói chung, nếu tính về mặt doanh thu toàn ngành, so với cùng kỳ, mức tăng trưởng chỉ dừng ở khoảng 5,6%.

Nên lưu ý, đây cũng là giai đoạn có các kỳ nghỉ lễ tương đối dài; thanh khoản vì vậy ít nhiều bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán chưa như kỳ vọng. Về phần lợi nhuận, mức độ thu hẹp cũng tương đồng so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc:

Thứ nhất, nguồn thu lãi từ mảng môi giới giảm đáng kể. Ở nhiều công ty, lợi nhuận ròng từ hoạt động dịch vụ môi giới gần như bằng 0, thậm chí một số công ty ghi nhận âm do chi phí chia sẻ (payout) cho môi giới khá cao. Gần đây, nhiều công ty chứng khoán theo đuổi mô hình cộng tác viên để tối ưu chi phí và tăng thị phần. Cuộc cạnh tranh này hiện không chỉ bó hẹp ở các công ty quy mô nhỏ, mà cả các công ty chứng khoán lớn cũng vào cuộc mạnh mẽ.

 

Thứ hai là chính sách lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán ngày càng cạnh tranh, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cũng có xu hướng giảm. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp (margin) sụt giảm so với trước đây, khi nhiều công ty buộc phải hạ lãi suất cho vay để hút khách.

 

Thứ ba là hoạt động tự doanh dẫn đến sự phân hóa về kết quả tự doanh rất rõ. Nếu công ty nào đầu tư cổ phiếu thuộc hệ sinh thái đem lại lợi nhuận tốt, kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, có những mã cổ phiếu lớn nhưng biến động giá bất lợi, ảnh hưởng đến lãi/lỗ trên danh mục tự doanh. Ví dụ, cổ phiếu FPT từng đóng góp tích cực cho một số công ty tự doanh năm trước, nay biến động bất lợi trong ba tháng đầu năm khiến nhóm này chịu áp lực lớn hơn.

Một yếu tố khác cũng cần đề cập là hiệu quả sử dụng vốn của các công ty chứng khoán. Trước đây, tỷ lệ ROE của nhóm này thường rất cao, nhưng thời gian qua đã giảm xuống dưới 10%, phần lớn do quá trình tăng vốn ở các công ty chứng khoán diễn ra khá nhanh, trong khi nhu cầu thị trường chưa theo kịp, khiến nguồn vốn chưa được sử dụng tối ưu. Đồng thời, lãi suất tiền gửi hiện thấp, và nếu lựa chọn đầu tư không phù hợp, công ty chứng khoán dễ gặp rủi ro làm suy giảm lợi nhuận.

 

Cuối cùng, cuộc chiến về phí và hoa hồng cũng thách thức các công ty chứng khoán. Nguồn thu từ phí môi giới không còn là “miếng bánh” hấp dẫn, do thị trường cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán đang phải tối ưu chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí nhân sự, bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, fintech, tự động hóa quy trình… Dù tốc độ triển khai của các công ty chứng khoán có thể không nhanh bằng một số ngân hàng (do nhóm ngân hàng đã đầu tư vào chuyển đổi số, fintech từ sớm), nhưng đây chắc chắn cũng là xu hướng bắt buộc trong tương lai.

Mối lo ngại margin

Khi nhắc đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm ngành chứng khoán, vấn đề margin luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Theo số liệu thống kê mới nhất, dư nợ margin trong giai đoạn vừa qua đang ở mức “chạm đỉnh”, tạo nên nhiều lo ngại về rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong lịch sử, mỗi kỳ họp đại hội cổ đông hay mùa báo cáo, câu hỏi về dư nợ margin thường được nêu ra. Trước đây, thị trường hay so sánh dư nợ margin trên vốn hóa. Cá nhân tôi cho rằng, con số này chưa phản ánh hết bản chất, mà quan trọng hơn là tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu.

Hiện nay, tỷ lệ margin trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán khoảng 100%. Tức là có 1 đồng vốn, cho vay 1 đồng. Về lý thuyết, luật cho phép tối đa 2 lần, nên thị trường còn dư địa.

 

 Dư nợ cho vay ký quỹ và tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu ngành chứng khoán. Nguồn: WiGroup

 

Điều tiếp theo nên quan tâm là chất lượng tài sản ký quỹ. Tương tự như ngân hàng phải xét kỹ chất lượng khoản vay, công ty chứng khoán cũng cần quản trị rủi ro cho vay margin. Sau biến động năm 2022, nhiều công ty chứng khoán đã kiểm soát chặt tỷ lệ và hạn mức cho vay với các cổ phiếu bất động sản nhiều rủi ro; thay vào đó, tập trung vào nhóm ngân hàng hoặc các mã bluechip có tính thanh khoản cao.

Theo quan sát, top 10 công ty chứng khoán hàng đầu hiện nay tập trung trên 50% tỷ trọng cho vay margin vào cổ phiếu ngân hàng. Trong bối cảnh ngân hàng có thanh khoản tương đối cao, nhóm này trở thành trọng tâm cấp margin. Điều này phần nào đảm bảo chất lượng dư nợ margin, vì tài sản có tính thanh khoản cao, khó gây ra cú sốc lớn.

Nhờ bài học từ năm 2022, nghiệp vụ quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán đã được nâng cấp, quy trình xử lý các khoản margin khó khăn (force sell) nhanh hơn, chặt chẽ hơn, giảm thiểu ảnh hưởng dây chuyền.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý: mặc dù dư nợ margin tăng, doanh thu môi giới toàn ngành vẫn giảm 31% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là không phải toàn bộ dư nợ margin được sử dụng cho mục đích giao dịch ngắn hạn, mà có thể một phần đáng kể chảy vào các “deal lớn” (các chủ thể vay quy mô). Nếu họ sử dụng margin để nắm giữ cổ phiếu theo mục đích khác, khi xảy ra biến cố, mức độ giảm giá có thể sẽ mạnh và dứt khoát hơn.

Dẫu vậy, nhìn chung, cấu trúc tài sản ký quỹ tập trung vào nhóm ngân hàng – nơi có thanh khoản tốt – cũng khiến tôi ít lo ngại hơn về rủi ro margin ở thời điểm hiện tại. Nếu có rủi ro, có lẽ vấn đề đầu tiên cần xem lại là chất lượng tài sản của chính các ngân hàng, trước khi lo về phần margin của công ty chứng khoán.

Chiến lược của các ngân hàng

Thông thường, vào khoảng tháng 4, thời điểm diễn ra các kỳ Đại hội cổ đông, tôi thường phải trả lời những thắc mắc về định hướng sắp tới của các ngân hàng. Bởi ngành ngân hàng rất khó phân tích. Ví dụ, một công ty thép thì chúng ta biết họ bán thép, chỉ khác loại thép này hay loại thép kia. Nhưng với ngành ngân hàng, “cho vay” là hoạt động chính, tuy nhiên bản chất mỗi khoản vay lại khác nhau: vay mua ô tô thế chấp bằng chính chiếc xe hay vay mua nhà với mục đích để ở hoặc đầu cơ, giá trị dưới 3 tỷ hay trên 3 tỷ,... Mỗi phân khúc có mức biên lợi nhuận (NIM) và rủi ro riêng.

Chỉ cần một thay đổi nhỏ về định hướng cho vay cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng, thay đổi cấu trúc rủi ro trong danh mục. Trong báo cáo tài chính, ngân hàng thường có thuyết minh, nhưng nhìn chung vẫn khó nắm rõ chi tiết về các chiến lược dịch chuyển tập trung cho vay của từng nhà băng, vì họ phải chọn lĩnh vực tối ưu nhất trong vô vàn cơ hội trên thị trường.

Các ngân hàng đang phải “hớt váng” trong “ly nước” thị trường tín dụng. Lớp tốt nhất (top 10-15% danh mục) là những khách hàng trả nợ tốt nhất, song các đối thủ khác cũng sẽ cạnh tranh để hạ lãi suất nhằm thu hút nhóm khách hàng này. Đó là lý do ngành ngân hàng rất phức tạp.

Về cơ bản, cứ vào cuối tháng 4, tôi thường xem xét định hướng chiến lược của các ngân hàng qua các thông tin tại đại hội cổ đông. Đến nay, một số đại hội mới triển khai, nên thông tin còn chưa đầy đủ; nhiều nội dung chúng ta phải chờ thêm. Dựa trên theo dõi suốt cả năm, tôi có tạm tổng hợp như sau:

 

Nhóm ngân hàng quốc doanh, đây là nhóm chiếm khoảng 50% thị phần, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV (chưa kể Agribank chưa niêm yết). 

  • Vietcombank:
    Theo quan sát, nhà băng này vẫn duy trì quan điểm tăng trưởng thận trọng và an toàn. Khẩu vị trên thực tế không thay đổi nhiều trong giai đoạn 2022-2023, khiến NIM (biên lãi ròng) bị thu hẹp đáng kể. Trước đây, NIM của Vietcombank có thể ở mức 3,3% - 3,5%, còn NIM của VietinBank khoảng 2,7-2,8%. Hiện tại, NIM của Vietcombank đã giảm, gần tiệm cận VietinBank. Dường như Vietcombank sẵn sàng đánh đổi phần nào biên lợi nhuận để tập trung cho nhóm khách hàng chất lượng. Dù vậy, ngân hàng này đang tham gia nhiều dự án lớn, đóng vai trò chủ lực (leader), đây cũng có thể là một động lực tăng trưởng.

  • VietinBank:
    Đây là ngân hàng có nhiều kỳ vọng. Năm 2024, VietinBank từng là điểm nhấn khi họ mở rộng hệ sinh thái cho vay, đẩy mạnh CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) và từ đó giữ được NIM ổn định. Kết quả là lợi nhuận năm vừa rồi của VietinBank vượt 115% kế hoạch, rất ấn tượng trong nhóm ngân hàng lớn.

  • BIDV:
    Năm vừa qua không mấy thuận lợi, tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn VietinBank, đồng thời gặp vấn đề về nợ xấu. Tuy nhiên, danh mục cho vay của BIDV về cơ bản vẫn ổn. Năm 2025, khả năng BIDV bật lên hay không phụ thuộc vào việc ngân hàng này đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu chi phí hoạt động để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Về tiềm lực, BIDV và VietinBank có nhiều điểm tương đồng; do đó, vẫn có dư địa để BIDV cải thiện hiệu quả vận hành.

Nhóm ngân hàng tập trung bán lẻ

  • ACB:
    Dù được coi là ngân hàng bán lẻ mạnh, năm 2024 ACB cũng thử mở rộng thêm một số mảng cho vay doanh nghiệp, nhưng hiệu quả chưa thực sự nổi bật. Hiện tại, lợi nhuận của họ giảm chủ yếu do NIM suy giảm.

  • VPBank:
    Năm ngoái, VPBank chỉ hoàn thành khoảng 75% kế hoạch lợi nhuận, bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy vậy, mảng bán lẻ có dấu hiệu phục hồi nhất định khi nhìn từ góc độ vĩ mô, và tôi kỳ vọng năm nay VPBank sẽ cải thiện hơn. Bên cạnh đó, mảng cho vay tiêu dùng ở phân khúc khách hàng thu nhập thấp cũng đang được thúc đẩy, có thể mang lại động lực mới cho VPBank sau giai đoạn 2023-2024 kém khả quan.

  • Sacombank:
    Khả năng năm nay ngân hàng này sẽ bước vào giai đoạn hoàn thành tái cơ cấu. Một khi việc tái cơ cấu kết thúc, triển vọng sẽ rõ ràng hơn. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn chờ đợi thông tin cụ thể về quá trình này.

Nhóm ngân hàng tập trung khách hàng doanh nghiệp

Với các ngân hàng định hướng cho vay doanh nghiệp, năm 2024 nhìn chung tương đối khả quan vì họ giải ngân mạnh cho phân khúc này. Tuy nhiên, sang năm 2025, liệu tốc độ tăng trưởng có duy trì hay không còn phải xem xét chiến lược giữ chân khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất gia tăng.

  • Techcombank:
    Đây là ví dụ tiêu biểu. Techcombank từng ghi nhận NIM cao, có thời điểm gần 5%. Nhưng hiện tại NIM đã giảm xuống trên 4% - mức giảm 1% NIM là rất đáng kể. Tăng trưởng tín dụng của Techcombank vẫn tốt, song lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng tăng trưởng âm, nguyên nhân là do biên lãi ròng thu hẹp.

Một vài lưu ý cho nhà đầu tư

Khi quyết định đầu tư cổ phiếu ngân hàng, chúng ta cần thấu hiểu chiến lược của từng ngân hàng, bởi đây là lĩnh vực đặc thù. Danh mục cho vay là “ẩn số” mỗi năm, vì mỗi ngân hàng sẽ phân bổ tín dụng theo cách riêng. Đó chính là yếu tố tạo nên khác biệt lớn về kết quả kinh doanh.

Một “từ khóa” được nhắc đến nhiều trong kỳ Đại hội cổ đông năm nay là công nghệ. Có thể nói, lĩnh vực ngân hàng có nguồn lực dồi dào, sẵn sàng đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai AI. Nhiều ngân hàng đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ từ lâu, nay tiếp tục thúc đẩy áp dụng AI, machine learning vào các bộ phận nghiệp vụ sâu hơn.

Cuối cùng, tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ từ, và mỗi ngân hàng sẽ có cách riêng để duy trì biên lợi nhuận. Việc kiểm soát chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả nhờ công nghệ, sẽ là câu chuyện đáng theo dõi nhất của ngành ngân hàng trong năm 2025.

Tác động thuế quan đến kết quả kinh doanh doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thế MInh, nếu như năm 2024, doanh nghiệp có thể đặt ra các kế hoạch và mục tiêu với tâm thế tương đối tự tin, thì bước sang 2025, nhiều công ty có xu hướng vạch ra nhiều kịch bản (A, B, C, D) để ứng phó. Dự kiến sau 90 ngày tới, chúng ta sẽ có thêm thông tin rõ ràng hơn về tác động cụ thể của chính sách thuế quan.

Hiện nay, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách thuế quan đối với hơn 90 quốc gia, trong đó Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo quan điểm của tôi, đây là một “cú sốc” khá lớn cho kinh tế toàn cầu, chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng chung trong năm 2025. Cụ thể, tôi tạm chia thành 3 kịch bản:

Kịch bản thứ nhất (trung tính, có thỏa thuận)

Việt Nam đàm phán được với Hoa Kỳ và đạt một số thỏa thuận nhất định, nhưng vẫn phải chịu mức thuế nhất địnhbị giám sát (đặc biệt liên quan đến xuất xứ hàng hóa). Hoa Kỳ lo ngại Việt Nam có thể là “trạm trung chuyển” cho hàng hóa Trung Quốc, nên việc giám sát chặt chẽ là khó tránh khỏi.

Trong trường hợp này, kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Lợi nhuận 2025 có thể bị cắt giảm, đặc biệt đối với lĩnh vực FDI (linh kiện điện tử, điện thoại thông minh, máy tính xách tay…) và các nhóm ngành chủ lực xuất khẩu (dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng…).

Kịch bản thứ hai (tích cực nhất)

Việt Nam không chịu mức thuế đối ứng cụ thể, chỉ duy trì mức thuế cơ sở (khoảng 10%). Đồng thời, chúng ta được xem là “cứ điểm” thay thế cho chuỗi cung ứng, đón thêm dòng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang.

Kịch bản này giúp Việt Nam hưởng lợi về thuế quan so với Trung Quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khả năng để đạt được kịch bản “hoàn hảo” này cũng vẫn là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh đàm phán khó lường.

Kịch bản thứ ba (tiêu cực nhất)

Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng thuế quan, có thể phải chịu mức thuế 40-60% (hoặc cao hơn). Khi đó, mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng trước đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đương nhiên, không ai mong kịch bản này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta vẫn phải có phương án dự phòng.

Qua 3 kịch bản trên, dễ thấy mọi tình huống đều có thể làm chững lại đà tăng trưởng hoặc khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nhà đầu tư do đó cần giảm kỳ vọng về mức tăng trưởng, đồng thời điều chỉnh lại định giá doanh nghiệp trong năm 2025, thay vì tiếp tục kỳ vọng cao như trước.

Doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bao gồm: Bất động sản khu công nghiệp; Nhóm xuất khẩu (dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…); Vận tải, logistics. Những nhóm này chắc chắn bị tác động rõ rệt từ thuế quan, nên khó tránh khỏi suy giảm lợi nhuận hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Trong bối cảnh bất ổn, nhà đầu tư nên xây dựng chiến lược phòng thủ, tập trung vào các nhóm ngành có nội lực trong nước, đồng thời hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ. Chẳng hạn như nhóm ngân hàng, chứng khoán, đây là là nhóm có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường, có độ “beta” cao, và dự báo vẫn duy trì tăng trưởng khả quan.

Thứ hai là vật liệu xây dựng, xây dựng, hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, đồng thời tạo kỳ vọng về một chu kỳ phục hồi của lĩnh vực bất động sản trong trung hạn. Nhóm bất động sản tuy đang gặp khó khăn, nhưng nếu dòng vốn FDI sụt giảm, Chính phủ hoàn toàn có thể đẩy mạnh kích thích kinh tế qua mảng bất động sản nội địa, bù đắp thiếu hụt tăng trưởng GDP. Cuối cùng là nhóm du lịch có triển vọng đến từ việc Trung Quốc nới lỏng chính sách, khuyến khích người dân du lịch nước ngoài, cùng với làn sóng du khách từ phương Tây. Đây là một lĩnh vực nhiều tiềm năng trong năm 2025.

Tóm lại, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều biến động do căng thẳng thuế quan. Nhà đầu tư cần đánh giá lại rủi ro, điều chỉnh danh mục theo hướng phòng thủ, ưu tiên các doanh nghiệp hưởng lợi từ thị trường nội địa, hoặc có khả năng nắm bắt cơ hội khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ được kích hoạt.

Tác động đến cổ phiếu ngành ngân hàng

Đánh giá về tác động thuế quan đến ngành ngân hàng, ông Lê Hoài Ân cho rằng không có ảnh hưởng trực tiếp quá lớn, bởi hoạt động chủ yếu của các ngân hàng là dịch vụ trong nước (local services). Song, tác động gián tiếp lại đáng chú ý, đặc biệt tại những ngân hàng cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ khoảng 3 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) có dư nợ FDI chiếm tỷ trọng đáng kể, vì các doanh nghiệp FDI thường chia khoản vay giữa “ngân hàng sở tại” của họ và ngân hàng quốc doanh trong nước. Do đó, nếu luồng vốn FDI giảm hay hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, thì Vietcombank, VietinBank, BIDV có thể bị tác động đến huy động vốn ngoại tệ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA), cũng như rủi ro nợ xấu nếu doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó.

Qua theo dõi, Vietcombank đang có tỷ lệ cho vay ngoại tệ cao nhất (xấp xỉ 10%), tập trung vào nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày...). Thực tế, trong giai đoạn thị trường phản ứng với thông tin thuế quan, cổ phiếu Vietcombank cũng từng sụt giảm mạnh hơn bình thường, cho thấy nhà đầu tư nhìn nhận khá rõ ảnh hưởng tiềm tàng ở mảng xuất nhập khẩu.

 

Nhìn chung, toàn ngành ngân hàng không chịu tác động trực tiếp quá lớn từ thuế quan, nhưng vốn là nhóm cổ phiếu trụ, nếu có sự kiện bất lợi trên thị trường, cổ phiếu ngân hàng thường “giảm trước” do tâm lý dòng tiền.

Về bối cảnh vĩ mô, Chính phủ đang thảo luận nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, từ đề xuất giảm thuế (như VAT) cho đến xem xét nới room tín dụng hoặc thậm chí bỏ room đối với một số định chế phi ngân hàng (công ty tài chính tiêu dùng). Trước đây, công ty tài chính tiêu dùng cũng phải chịu các hạn mức tăng trưởng cho vay (room) tương tự ngân hàng. Nếu chính sách “thả cửa” được thông qua, các công ty tài chính thuộc sở hữu ngân hàng (ví dụ: FE Credit của VPBank, HD Saison của HDBank…) sẽ có cơ hội tăng tốc giải ngân, đặc biệt khi nhu cầu nội địa cần được kích thích.

Trong quý I/2025, mặc dù hoạt động bán lẻ, du lịch có phục hồi, song tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá mạnh. Chính phủ dường như phải đẩy mạnh kích thích tổng cầu, giúp doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư, đồng thời hạn chế làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc nếu nước này bị thuế quan tác động.

Từ các phân tích trên, tôi nhận thấy ngân hàng chuyên cho vay cá nhân có thể được hưởng lợi trong bối cảnh chính sách kích thích tiêu dùng. Ví dụ: VPBank, ACB trước đây, lợi nhuận có phần suy giảm do NIM (biên lãi ròng) thấp, tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng. Nhưng với xu hướng hỗ trợ tiêu dùng nội địa, nhóm này sẽ có động lực phục hồi.

Về định giá, những ngân hàng này cũng đang ở vùng “thấp” so với trung bình lịch sử 5 năm, do bị chiết khấu khi kết quả kinh doanh 2023-2024 không mấy thuận lợi. Hiện nay, nếu vĩ mô trở nên thuận lợi hơn nhờ chính sách hỗ trợ nội địa, nới room tiêu dùng, cùng các biện pháp giảm thuế… có thể là catalyst (chất xúc tác) quan trọng, hỗ trợ giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Bên cạnh yếu tố nội tại doanh nghiệp, dòng tiền và thuế quan, một biến số vĩ mô khác cũng thu hút sự chú ý là tỷ giá. Gần đây, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng trở lại, kéo theo không ít áp lực đối với hoạt động xuất nhập khẩu. 

 

Các tin khác

Sản phẩm hàng không duy nhất đạt 5 sao tại Giải thưởng Sao Khuê 2025

Sổ bay điện tử Viettel SkyBook của Viettel Software được vinh danh xếp hạng 5 sao trong nhóm Quản trị doanh nghiệp tại Giải thưởng Sao Khuê 2025. Đây là sản phẩm duy nhất trong lĩnh vực hàng không được trao giải năm nay – một minh chứng cho năng lực công nghệ tiên phong và tầm nhìn chiến lược của Viettel Software trong chuyển đổi số ngành hàng không.

Miền Bắc giảm nhiệt trước khi đón không khí lạnh yếu

Hôm nay (23/4), miền Bắc giảm nhiệt, trời nhiều mây, chỉ còn xuất hiện nắng nóng cục bộ. Từ đêm mai (24/4), miền Bắc có thể đón không khí lạnh yếu nên chuyển mưa rào và dông rải rác, trời mát. Miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay tiếp tục nắng nóng, riêng Nam Bộ chiều tối có mưa dông rải rác.