Hiện ông Châu đang nắm giữ hơn 6,5 triệu cổ phiếu EVS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,95%. Nếu hoàn tất giao dịch như kế hoạch, ông sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 8,7 triệu đơn vị, chiếm 5,28% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Với thị giá cổ phiếu EVS ở mức 5.000 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 22/4, số tiền mà ông Châu phải chi ra có thể vào khoảng 11 tỷ đồng.
Cổ phiếu EVS đã giảm đáng kể từ vùng 6.000 đồng về quanh mức 5.000 đồng trong giai đoạn cuối tháng 3 đến nay, theo diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong bối cảnh nhiều thông tin bất lợi về kinh tế và chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu đi xuống, Everest cũng công bố kết quả kinh doanh đi lùi trong quý I.
Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt gần 87 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Tuy nhiên, công ty cũng phải trích lập chi phí dự phòng tăng cao do khoản chênh lệch giảm giá trị tài sản FVTPL lớn hơn so với cùng kỳ và không còn khoản hoàn nhập như năm trước.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I ghi nhận hơn 10 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Tuy vậy, với kết quả này, công ty đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHĐCĐ thường niên thông qua là 9 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu EVS từ đầu năm đến 22/4. (Biểu đồ: TradingView).