Quang Thuần, 29 tuổi ở TP HCM, biết đến Bitcoin từ những năm 2017 nhưng quyết định đứng ngoài thị trường vì thấy quá mơ hồ. "Khi thị trường lao dốc, tôi nghĩ mình rất may mắn. Nhưng đến năm 2020-2021, hàng loạt đồng tiền số lên giá, tôi lại hối hận vì đã không tham gia sớm hơn. Bạn có thể mất tiền vào giai đoạn 2017-2018 nhưng có được kinh nghiệm để sẵn sàng khi thị trường sôi động trở lại", Thuần nói.
Càng chơi càng lỗ
Để không phải tiếc nuối lần nữa, Thuần đầu tư vào tiền số khi thị trường trong giai đoạn hưng phấn hồi giữa năm ngoái. Như hầu hết người chơi mới, anh lập một tài khoản và mua những "coin nền tảng" như Ethereum, Bitcoin... "Những token này có vẻ an toàn nhưng cũng rất ít biến động. Đa phần người chơi mới như tôi thích coi biểu đồ mọi lúc mọi nơi, chúng tôi muốn thấy số tiền của mình biến động nhưng những token này không mang lại nhiều cảm xúc như thế", anh nói.
Do đó, anh bắt đầu chuyển sang những token mới lên sàn, giá trị nhỏ hơn. Theo thống kê của EathWeb, tính đến tháng 7/2022 thị trường có hơn 12.000 biến thể của các loại tiền kỹ thuật số. Thượng vàng hạ cám, người chơi có muôn vàn lựa chọn phong phú từ các dự án trong nước đến quốc tế.
Thuần cho biết niềm vui đầu tiên của anh khi mua token của những dự án mới là cảm giác được sở hữu rất nhiều coin và nếu may mắn, tài khoản có thể nhân đôi trong một ngày. Điều này càng khiến nhiều người lao vào "lướt sóng" với tâm lý ăn may.
"Những người mới như chúng tôi không quan tâm đến đọc dự án hay phân tích yếu tố rủi ro. Chúng tôi chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ, không có thời gian tìm hiểu và không có đủ kiến thức để đánh giá. Tôi chơi theo phong trào đúng nghĩa chứ không phải đầu tư'", Thuần nói.
Tuy nhiên tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) khiến người chơi mới thường xuyên đứng núi này trông núi nọ. "Họ không đủ kiên nhẫn theo dõi lộ trình phát triển của dự án. Khi nghe có token gì mới, có thể tăng giá là họ sẵn sàng tham gia lướt sóng. Thế nhưng càng trade càng lỗ. Lỗ đầu tiên là phí giao dịch, lỗ tiếp theo là token cũ chưa kịp tăng giá đã bị bán để mua token mới. Muốn kiếm tiền từ lướt sóng, bạn phải biết đọc biểu đồ, đánh giá dự án, nhạy về biến động thị trường. Còn tay mơ chơi coin đa phần lỗ vốn", ông Hoàng Khâm, quản lý một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam, nhận định.
Theo ông Khâm, người chơi tay mơ thường là những người "đu đỉnh bán đáy" nhiều nhất. Họ không có nhiều thông tin, biết đến dự án khi đã có nhiều người khác biết và giá token đã lên cao. Đến khi giá giảm, họ không thể gồng lỗ rồi bán tháo. Điều này cũng diễn ra với Thuần, khiến số tiền trong tài khoản cứ thế với dần đi.
Học phí tiền số
Tố Uyên, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM, tự tìm hiểu về tiền số trên Internet. "Ban đầu tôi tham gia các nhóm Facebook, sau đó được mời vào những hội trên Telegram rồi đến nhóm kín của dự án. Bị lùa gà vài lần, mất hơn chục triệu đồng, tôi tích lũy được chút kinh nghiệm phòng thân, coi như học phí", Uyên kể.
Uyên cho biết cô thường tìm kiếm các suất "private sale" (bán token sớm) với hy vọng có thể nhân 10, thậm chí nhân 100 số vốn bỏ ra. Tuy nhiên, tài khoản nhân lên chưa thấy nhưng các dự án lùa gà, huy động vốn xong ôm tiền chạy thì những người mới như Uyên gặp thường xuyên.
"Có những dự án không bỏ chạy nhưng làm cho có, vẫn ra sản phẩm, trả token đúng hẹn nhưng giá rớt thê thảm. Tôi vẫn đang giữ token của vài dự án không thể thanh khoản do chỉ có người bán, không có người mua", Uyên kể.
Hiện chưa có thống kê về số người Việt bị mất tiền vào những dự án lùa gà. Tuy nhiên theo EathWeb đã có khoảng 1.984 dự token xuất hiện rồi biến mất khỏi thị trường, tính đến tháng 1/2021.
Một kiểu mất tiền khác của những người chơi mới là do niềm tin ngây thơ trong thị trường tiền số. Nhiều người không lướt sóng, không đầu tư nhưng gửi tiền cho một số quỹ với hy vọng họ có thể giúp mình sinh lời.
Theo ông Hoàng Khâm, mô hình góp tiền cho các quỹ đầu tư không mới, xuất phát từ thị trường truyền thống và phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên, rủi ro từ mô hình này chủ yếu do người chơi không đủ kiến thức để đánh giá độ uy tín của quỹ hoặc bị những lời mời "siêu lợi nhuận" làm mờ mắt.
Ông cho rằng trong thị trường tiền số, ngay cả quỹ đầu tư lớn cũng vẫn tiềm ẩn rủi ro. "Người chơi lâu năm thường biết cân bằng các nguồn đầu tư, rút tiền sớm khi thấy biến động, còn người chơi mới lại thường 'tất tay' nên khi sự cố xảy ra, các tay mơ dễ bị trắng tay", ông Khâm nói.
Washington Post dẫn lời Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC cho biết nhiều người đang giữ niềm tin rằng họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú nếu gửi tiền vào các công ty hoặc nền tảng liên quan đến tiền số. Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng cơn sốt tiền mã hóa đầu 2021 để vẽ lên viễn cảnh trong mơ. Trong năm ngoái, người Mỹ mất hơn một tỷ USD vào các vụ lừa đảo tiền điện tử, tăng gần 60 lần mức thiệt hại được báo cáo vào năm 2018.
Dù mất tiền, Quang Thuần và Tố Uyên đều khẳng định vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội với tiền số. Theo thống kê của Chainalysis về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu năm 2021, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng trong khi Mỹ đứng thứ 6 và Trung Quốc đứng thứ 13.
Giám đốc nghiên cứu của Chainalysis Kim Grauer cho biết: "Nhiều chuyên gia, nhà phân tích nói với chúng tôi rằng Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng vì họ có tỷ lệ người trẻ yêu thích công nghệ và có phần phiêu lưu, thích đầu tư tài chính. Cả hai điều này đã khiến thị trường tiền số của Việt Nam phát triển sôi động hơn bất kỳ nơi nào".