Sau nửa đầu năm, Fed vẫn chưa hạ lãi suất gây ra nhiều biến động về tỷ giá với VND, nhà đầu tư tiếp tục mong chờ vào thời điểm Fed hạ lãi suất ở nửa cuối năm. Mặc dù, cuộc họp công bố quyết định lãi suất của Fed diễn ra vào tháng 9, tháng 11 nhưng trong tháng 7, nhà đầu tư vẫn cần lưu tâm đến các chỉ số có liên quan như: Báo cáo việc làm hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ở trong nước, do tác động không nhỏ của việc Fed vẫn giữ lãi suất ở mức cao khiến USD Index mạnh lên trong nửa đầu năm gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Bên cạnh đó, những vẫn đề về thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng gây ra sức ép không nhỏ đến chính sách tiền tệ.
Vậy đâu là những yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 7?
Báo cáo CPI của Mỹ
Báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ công bố đêm 11/7 cho thấy vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,1% so với tháng 5. Đồng thời, CPI tháng 6 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI tháng 6 lõi tăng 0,1% so với tháng 5 và 3,3% so với cùng kỳ. Cả hai đều tăng thấp hơn dự báo tương ứng của các nhà kinh tế là 0,2% và 3,4%.
Wall Street Journal nhận định, sau báo cáo CPI mới nhất, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên. Ngân hàng trung ương Mỹ đang giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm.
Hiện tại, các nhà đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo (dự kiến diễn ra vào ngày 30 - 31/7) vì các quan chức chưa công khai đồng tình cho một động thái như vậy. Fed hoàn toàn có thể trì hoãn giảm lãi suất đến thời điểm sau tháng 9 năm nay. Thêm vào đó, kỳ vọng lần giảm lãi đầu tiên với 25bps (không quá lớn), đồng nghĩa với việc lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao.
Việc đồng USD duy trì sức mạnh kết hợp cùng mức chênh lệch lãi suất giữa USD - VND còn gây căng thẳng lên tỷ giá. Mặt bằng lãi suất thấp nhiều khả phải tăng lên để giảm bớt áp lực. Điều này sẽ ảnh hưởng tương đối tiêu cực đối với diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước.
Mặt bằng lãi suất trong nước
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán KB, mặt bằng lãi suất thấp là một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Xét trong quý I/2024, lãi suất huy động đã xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tương đối từ mức đỉnh cuối 2022. Theo đó, VNIndex tăng 25% trong 5 tháng liên tiếp, thị trường giao dịch diễn ra sôi động với nhiều phiên đạt giá trị trên một tỷ USD.
Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng trở lại trong quý hai trước áp lực từ tỷ giá đã gây ảnh hưởng lên tâm lý thị trường. VN Index theo đó chứng kiến những nhịp điều chỉnh mạnh, thanh khoản giao dịch ở mức thấp, nước ngoài liên tục bán ròng…
"Chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục nhích nhẹ, mặc dù vẫn ở mức thấp và chưa gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng sẽ không còn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán như giai đoạn trước", các chuyên gia từ KB Sercurites cho hay.
Tính đến cuối tháng 6, lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã tăng 10 - 30bps so với vùng đáy ở các kỳ hạn ngắn 1 - 12 tháng. Điều này đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các chuyên gia phân tích của KB Sercurites dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 70-100bps từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021.
Diễn biến tỷ giá
Ngoài lãi suất, tỷ giá cũng là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu tâm.Tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng.
Tỷ giá được dự báo chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.
Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Tính đến nay, NHNN đã can thiệp bằng cách bán khoảng 6 tỷ USD nhưng tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong thời gian tới vẫn sẽ chịu nhiều áp lực do: Nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao; Xu hướng để USD ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu và FDI; và USD Index neo ở vùng cao trước diễn biến yếu đi của các đồng tiền khác.
Lạm phát và tăng lương
Trong tháng 7, Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương vớilương cơ sở tăng thêm 30%, mức cao nhất trong lịch sử, lên 2,34 triệu đồng. Ước tính 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức khu vực công (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) được hưởng lợi.
Mặc dù không tác động nhiều đến lạm phát, song CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân đến từ chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm %). Vì vậy, đây cũng là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần theo dõi.
Dự báo về lạm phát 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng tác động từ những cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý đến giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ giảm dần từ quý III/2024. Tính trung bình, CPI trong cả năm 2024 được dự báo sẽ chỉ tăng 3,4% (+/-0,2%).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh Chính phủ không nên tăng giá các mặt hàng như: Giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục cùng thời điểm tăng lương để tránh gây ra hiệu ứng tiêu cực với lạm phát.