Hành khách vẫn chọn lộ trình cũ, không xáo trộn
Chia sẻ với PV Báo Điện tử VTC News sáng 3/7, một tài xế chạy tuyến Phan Thiết - TP.HCM của nhà xe Trung Nga (Phan Thiết - Bình Thuận, nay là Lâm Đồng), cho biết anh chưa thấy có sự xáo trộn hay bất tiện nào với tuyến Phan Thiết - TP.HCM và ngược lại từ ngày 1/7 đến nay.
Theo tài xế, nhà xe chỉ khai thác tuyến quen thuộc là Phan Thiết - TP.HCM và ngược lại, với nhiều tuyến trong ngày từ 3h - 21h. Khách đi xe cũng quen thuộc với bến tại TP.HCM ở đường Nguyễn Cư Trinh và tại Phan Thiết là đường Võ Văn Kiệt. Nhà xe vẫn trung chuyển khách ra bến như thường lệ khi có nhu cầu.

Các xe khách vẫn giữ lộ trình cũ dù đơn vị hành chính thay đổi. (Ảnh minh họa: Hà Linh)
"Mấy ngày nay cũng không có khách nào yêu cầu các điểm đến làm khó tài xế. Phần lớn khách đi Phan Thiết hay về TP.HCM vẫn khai báo lộ trình cũ, chứ không ai yêu cầu về Vũng Tàu hay Bình Dương cả. Nhưng theo quy định khách lên xe thì chúng tôi luôn hỏi họ xuống tại đâu. Hơn nữa tại điểm bán vé của nhà xe, nhân viên và khách hàng cũng đều cẩn thận hỏi kỹ thông tin điểm đến. Ví dụ khách yêu cầu địa chỉ là Thủ Dầu Một thì chắc chắn chúng tôi sẽ hướng dẫn họ cách di chuyển phù hợp hơn", anh cho biết.
Nhân viên bán vé xe Tâm Hạnh cũng cho biết hãng khai thác nhiều tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh trọng điểm du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng cũ), Phan Thiết (Bình Thuận cũ)... Hiện các tỉnh như Bình Thuận đã hợp nhất với Lâm Đồng nhưng các tuyến xe vẫn không có gì thay đổi. Khách mua vé sẽ thông báo đi Phan Thiết, Đà Lạt, Phan Rang chứ không dùng thông tin hành chính mới như Lâm Đồng hay Khánh Hòa.
"Nếu có chúng tôi cũng sẽ hỏi đến khu vực nào của Khánh Hòa hay khu vực nào của Lâm Đồng, vì chúng tôi có từng tuyến riêng, có điểm dừng riêng và giá vé riêng biệt. Với khách gửi hàng, chúng tôi hướng dẫn khách mang ra trạm xe và cũng ghi địa chỉ điểm nhận là trạm Phan Thiết hay trạm Đà Lạt... vì cước phí khác nhau, xe vận chuyển khác nhau, thời gian khách nhận hàng khác nhau, không có lấn cấn gì với tên hành chính mới", nhân viên này nói.
Tương tự, nhà xe Phương Trang với hàng loạt tuyến đi miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Ninh, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, cũng cho biết khách đã quen và chỉ khai thông tin đến các địa danh quen thuộc, vì liên quan đến giá vé xe. Hãng cũng có trạm dừng riêng tại các địa phương; nếu điểm đến là các bến xe địa phương, như Bến xe Phan Thiết thì hiện nay vẫn chưa đổi tên, nên tài xế không khó khăn gì.
Chị Thu Hà, một hành khách đang mua vé xe đi Vũng Tàu, cho rằng việc thay đổi tên địa danh là yêu cầu về hành chính, nhưng hành trình của người dân vẫn diễn ra bình thường, không bị xáo trộn. Tuy nhiên, để tránh hiểu nhầm, các bến xe, đơn vị vận tải nên chủ động thông tin với khách, cũng như nhanh chóng cập nhật bảng thông tin trên website, trên fanpage của mình, để đảm bảo sự đồng bộ, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.
Hàng hóa vẫn đến đúng địa chỉ
Tại TP.HCM, 3 ngày qua các shipper, tài xế xe công nghệ cũng chưa ghi nhận tình trạng khó khăn nào. Anh Đăng Khương, nhân viên giao hàng của J&T Express, cho biết vẫn chưa gặp đơn hàng nào có địa chỉ mới. Anh phụ trách giao hàng khu vực Thủ Đức nhưng các địa chỉ nhận vẫn là tên phường cũ. Ví dụ khách khu vực Bình Thọ, Trường Thọ vẫn ghi địa chỉ này chứ chưa cập nhật phường mới Thủ Đức.

Tại TP.HCM, các tài xế xe công nghệ vẫn giao hàng theo địa chỉ cũ vì app chưa cập nhật địa danh mới. (Ảnh: Hà Linh)
Chị Thảo, một đầu mối bán hàng online ở Gò Vấp, cũng cho biết chị vẫn gửi hàng cho khách bình thường theo địa chỉ cũ. Theo chị Thảo, các app giao nhận hàng hiện chưa có app nào cập nhật địa danh mới nên khi gửi hàng, chị cũng thử ghi địa chỉ một vài điểm mới của khách quen là phường Xuân Hòa, phường Sài Gòn (khu vực Quận 1, 3 cũ) nhưng không có kết quả mới.
Tương tự, chị Như Thúy (ngụ phường An Hội Đông, làm việc tại phường Sài Gòn, TP.HCM) cho hay, mấy ngày qua, chị đặt GrabBike hay đặt đồ ăn trên ứng dụng theo địa chỉ cũ, mọi thứ vẫn diễn ra thuận lợi.
"Hằng ngày, tôi đi GrabBike từ phường tôi ở khu vực Gò Vấp cũ đến công ty vẫn thuận lợi. Tôi hỏi các bác tài xế họ cũng nói 'app vẫn định vị đến địa chỉ cũ' - cứ thế là chạy thôi... '. Thực tế, khi đặt xe công nghệ, lúc sắp lên xe bác tài đều hỏi khá kỹ càng nơi đến, định vị theo số nhà nên tôi nghĩ dù có cập nhật phường mới, xã mới đi chăng nữa, cũng không khó khăn gì cả. Lộ trình vẫn vậy từ nhà tôi tới công ty".

Chị Thúy đi GrabBike mỗi ngày, mọi thứ vẫn diễn ra thuận lợi.
Tại khu vực phường Dĩ An, trưa này, chúng tôi thử cập nhật địa chỉ mới là phường Dĩ An - TP.HCM để đặt cơm trưa. Kết quả vẫn là TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chưa có sự thay đổi nào.
Theo hướng dẫn của Bưu điện Việt Nam, để dịch vụ bưu gửi không gián đoạn, không bị thất lạc, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí, đơn vị đã phát triển công cụ chuyển đổi tự động giữa địa chỉ cũ - mới tại trang web: https://diachi.vnpost.vn, cho phép người dùng sử dụng cả hai dạng địa chỉ.
Hiện công cụ đã được tích hợp trực tiếp trên ứng dụng My Vietnam Post. Tất cả người dân đều sử dụng được công cụ chuyển đổi 2 chiều giữa địa chỉ cũ - mới của chính quyền địa phương 2 cấp, tại địa chỉ: https://diachi.vnpost.vn hoặc trên ứng dụng My Vietnam Post.