Giữa trưa nắng oi ả, ông Phạm Phú Chính (53 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) – tài xế beBike vừa tắt ứng dụng, vào quán ven đường gọi đĩa cơm bụi. Các quán cơm bình dân ông thường ăn bán 25.000 đồng/phần, nay đã lên 27.000 – 30.000 đồng, nhưng không vì vậy mà ông cảm thấy đắn đo. Với ông, những chính sách hỗ trợ tài xế của hãng thời gian này là khá ổn để ông cân bằng cuộc sống.
Mừng vì sự sẻ chia
Gắn bó với Be từ ngày ứng dụng vừa ra mắt, ông Phạm Phú Chính cho biết, nghe giới thiệu là ứng dụng gọi xe thuần Việt ông có cảm tình và đăng ký liền. Trước đó, ông có thời gian dài làm tài xế taxi, nhưng vì việc gia đình nên ông chuyển sang chạy beBike để tự do giờ giấc.
Cùng là phục vụ hành khách, nhưng không như thời chạy taxi, với công việc này, ông phải đối mặt với nắng mưa thất thường, khói bụi của TP.HCM nhiều hơn. Vậy nhưng tìm được niềm vui trong công việc, ông đã gắn bó với ứng dụng Be đến ngày hôm nay.
Chạy xe có tiền, ông Phạm Phú Chính mới mua được chiếc xe mới vào năm 2020.
Giọng hào hứng, ông tâm sự, xăng tăng liên tục đã khiến giới tài xế công nghệ ít nhiều bị ảnh hưởng, và ông cũng không ngoại lệ. Nếu như trước đây, 1 ngày ông chạy thu nhập 1,1 triệu đồng chỉ tốn 130.000 đồng tiền xăng, thì nay vẫn mức thu nhập đó, nhưng ông phải tốn hơn 200.000 đồng cho tiền xăng.
"Tôi chạy không ngày nào dưới 700.000 đồng. Chạy xe ôm công nghệ cực khổ thật, nhưng là trụ cột gia đình, tôi luôn đặt mục tiêu để có thêm phần thưởng ngày của hãng. Thường xăng tăng thì thu nhập giảm, nhưng ở Be thì khác, tôi được giảm chiết khấu nên lấy phần đó bù qua. Điều tôi thích nhất là cách Be quan tâm, chia sẻ với tài xế, tôi cảm thấy công việc của mình được trân trọng", ông nói.
Với tài xế beBike, những chương trình hỗ trợ từ hãng giúp tài xế ổn định cuộc sống giữa "bão giá".
Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt rám nắng, tài xế chia sẻ, với hãng Be, ông được thưởng từng chuyến, tổng chuyến trong ngày, trong tuần và cả thưởng tháng. Do vậy, gom tiền thưởng cũng bù đắp được kha khá các chi phí khác trên đà tăng.
Tài xế Be tâm sự, ngoài các chính sách hỗ trợ của hãng, ông còn may mắn gặp nhiều khách hàng dễ thương típ thêm 5.000 – 10.000 đồng sau mỗi cuốc xe phần nào giúp ông trang trải cuộc sống giữa "bão giá".
"Nhiều khi chỉ là một lời cảm ơn, một nụ cười của khách hàng, nhưng tôi hạnh phúc vì công sức lao động được ghi nhận, được sẻ chia khiến tôi càng yêu công việc này hơn. Tôi thích nhất là Be có chương trình hỗ trợ tài xế khó khăn, gặp tai nạn là động lực cho tài xế chúng tôi muốn gắn kết để cùng phát triển", tài xế Be bày tỏ.
Lấy thưởng bù xăng
Cũng gắn bó với be từ ngày ứng dụng vừa ra mắt, ông Ngô Trịnh Việt (53 tuổi, ngụ Q.7) – tài xế beCar nhận xét, Be có nhiều chương trình hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đồng cảm với các bác tài như mình.
Mỗi ngày, ông chạy được thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, tiền xăng gần 500.000 đồng, tính ra mỗi tuần hết khoảng 3,5 triệu đồng tiền xăng. Nhưng ông Việt chia sẻ bí kíp "tiết kiệm" được xăng cả tuần là "cày" thưởng. Theo đó, mỗi tuần Be sẽ đưa ra nhiều mức thưởng khác nhau, tài xế trung niên như ông thường cày được khoảng 3,5 triệu đồng tiền thưởng mỗi tuần. Nhiều tài xế trẻ còn có thể dễ dàng chạm mức thưởng 5 triệu đồng một tuần.
"Để đạt được tiền thưởng thì cần phải có tỷ lệ nhận, hủy cuốc trong giới hạn, hay mức sao, đánh giá của khách hàng. Tôi thấy cứ chăm chỉ chạy thì đạt thưởng tuần là chuyện không quá khó. Còn chuyện xăng tăng thì chi tiêu trong nhà liệu cơm gắp mắm, thu nhập của tôi vẫn xoay xở được việc học hành của 2 con", ông nói.
Từng cộng tác với khá nhiều ứng dụng gọi xe trên thị trường, tài xế beBike Vũ Tấn Lộc (55 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) quyết định gắn bó với Be hơn 3 năm qua. Sau khi trừ phí ứng dụng, mỗi ngày, ông còn thu nhập hơn 500.000 đồng.
Nếu như lúc trước để có thu nhập mức này, ông chỉ tốn 70.000 đồng, thì nay tiền xăng lên đến hơn 100.000 đồng. Tô hủ tiếu từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng, ly cà phê đá từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng, đĩa cơm bụi từ 25.000 đồng lên 28.000 đồng,… Trừ cả hao mòn xe, điện thoại 4G, ông cũng chật vật với thu nhập còn lại.
Tài xế beCar Ngô Trịnh Việt nỗ lực chạy lấy thưởng tuần để bù tiền xăng.
Ông kể: "Nhiều tài xế tôi quen đã tạm nghỉ tìm việc khác làm vì nói chịu không thấu, nhưng tôi thì chỉ có một công việc này, đây là thu nhập lo cho gia đình. Tôi gắn bó vì Be minh bạch trên mọi phương diện, tôi cũng hy vọng một ngày nào đó Be có chính sách riêng cho tài xế trên 50 tuổi thì quá tuyệt vời".
Dù vậy, tài xế công nghệ Vũ Tấn Lộc cho hay, ông vẫn nhớ lần hãng hẹn ông đến để hỗ trợ tài chính, nhưng ông thấy mình còn sức khỏe, có thể cày cuốc kiếm tiền nên nhờ công ty dành phần hỗ trợ này cho tài xế nào đang gặp khó khăn hơn. Đó chính là sự sẻ chia từ hãng ấm lòng tài xế công nghệ của Be.
Thấu hiểu những khó khăn của tài xế trong bối cảnh giá cả thị trường còn nhiều biến động, ảnh hưởng đến thu nhập trên từng chuyến xe, Be triển khai song song nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ đảm bảo thu nhập tài xế như: hoàn tiền 5% khi đổ xăng tại Petrolimex thanh toán không tiền mặt bằng thẻ CAKE; giữ mức giảm mức chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai; chương trình điểm thưởng cho tài xế khi đáp ứng số chuyến hoạt động trong thời gian hãng quy định hay thưởng hoàn tiền lên tới 6,5% doanh thu cuốc xe. Trong thời gian qua, Be cũng có chương trình hỗ trợ đón xa, Thưởng đơn beFood hay đơn Delivery 2H và các gói bảo hiểm BeGroup cung cấp cho tài xế. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn thu nhập cho tài xế, Be Group còn triển khai nhiều chính sách kích cầu dành cho khách hàng, đơn cử trong trong khuôn khổ chương trình Tiếp sức mùa thi 2022 vừa qua, Be đã triển khai các chương trình ưu đãi đến 50.000 đồng áp dụng khi đặt xe trên app Be dành cho thí sinh và người nhà. Ngoài các quyền lợi cố định, Be Group vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác, bổ sung và ngày càng hoàn thiện thêm nhiều chương trình nhằm mục đích hỗ trợ tài xế tối đa.