Khi kinh tế Mỹ lao vào suy thoái năm 2008, một Euro đổi được khoảng 1,6 đô la Mỹ (USD). Đến năm 2021, USD đã mạnh lên tương đối so với đồng tiền chung châu Âu, chỉ cần khoảng 1,2 USD là đổi được một Euro.
Ngày 12/7/2022, USD và Euro đã có lúc ngang giá, tức là một đổi một, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Khi so với một rổ gồm Euro và 5 ngoại tệ quan trọng khác, đồng bạc xanh cũng đã mạnh lên đáng kể trong những tháng qua, thể hiện qua việc chỉ số DXY tăng 13% so với đầu năm.
USD lên giá trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Đầu tháng 7 này, mô hình dự báo GDPNow của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta cho rằng GDP của Mỹ suy giảm 2,1% trong quý II, như biểu đồ bên dưới cho thấy.
Trước đó vào quý I, GDP đã suy giảm 1,6% (số liệu chính thức đã hiệu chỉnh). Nếu tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, nền kinh tế sẽ bị coi là rơi vào suy thoái.
Vậy tại sao USD lại mạnh lên trong khi nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu suy yếu? Theo Bloomberg, Mỹ gặp khó khăn nhưng châu Âu còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nên USD vẫn tăng giá tương đối so với Euro.
Cụ thể, cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động tới các nền kinh tế châu Âu mạnh hơn nhiều so với Mỹ vì các yếu tố như làn sóng dân di cư, bất ổn an ninh, tăng chi tiêu cho quốc phòng, thiếu hụt nhiên liệu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt kỷ lục 2.100 tỷ USD: Nga chỉ xếp thứ 5 25/04/2022 - 20:36
Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào năng lượng từ Nga và đang rất lo sợ việc Moscow cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Giá dầu và khí đều lên cao làm tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp sản xuất của lục địa già đã phải chuẩn bị cho kịch bản dừng sản xuất trong mùa đông tới để ưu tiên khí đốt cho sưởi ấm cho các hộ gia đình.
Tỷ lệ lạm phát của khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng cao tương tự như ở Mỹ. Nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa từng tăng lãi suất trong suốt 11 năm qua. Ngược lại, Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang của Mỹ ba lần, thêm tổng cộng 1,5 điểm % trong 6 tháng đầu năm nay.
Việc lãi suất tại Mỹ tăng trong khi châu Âu dậm chân tại chỗ cũng có tác động đáng kể tới biến động của tỷ giá.
Khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái
Từ 11/7, Nga dừng hoạt động đường ống dẫn khí Nord Stream 1 để bảo dưỡng thường niên. Hoạt động sửa chữa định kỳ này ít được nhắc đến vào các năm trước nhưng tình hình năm nay rất khác.
Quan hệ Nga và châu Âu xấu đi rõ rệt kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga và Moscow cũng đã có một số biện pháp trả đũa.
Quân bài chiến lược của Nga là năng lượng vẫn chưa được đem ra sử dụng hết công năng, bằng chứng là Nga vẫn tiếp tục cung cấp dầu mỏ và khí đốt thông qua các kẽ hở mà phương Tây chừa ra trong các lệnh cấm vận.
Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang tăng cường tích trữ khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá. Song song với đó, lục địa già đang lo sợ Nga sẽ nhân lúc bảo dưỡng định kỳ đường ống để cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt.
Moscow có thể lấy cớ rằng một turbine cần thiết cho việc vận hành Nord Stream 1 đang bị phương Tây thu giữ. Mỗi năm Nord Stream 1 mang 55 tỷ mét khối khí tới châu Âu. Việc dừng giao dịch khí đốt sẽ làm cho Nga mất đi một nguồn thu quan trọng nhưng cũng sẽ khiến nền kinh tế châu Âu thiệt hại nặng nề.
Hệ thống phân phối khí đốt được xây dựng và sử dụng trong hàng chục năm qua, chạy dài hàng nghìn km từ Nga qua biển Baltic, đến Đức rồi tỏa ra các nước châu Âu khác. Đường ống đi từ các kho chứa khổng lồ tới các kho nhỏ hơn rồi tới từng hộ gia đình, vì vậy châu Âu không dễ gì tìm được một phương án thay thế.
Các nước đang tăng cường mua khí tự nhiên dạng lỏng (LNG) được vận chuyển trên các tàu biển khổng lồ từ Mỹ, rồi chuyển thành dạng khí để đưa vào các đường ống. Tuy nhiên chi phí của cách làm này cao hơn nhiều so với mua khí từ Nga và đòi hỏi nhiều thời gian xây dựng các kho chứa ven biển.
Khí đốt không chỉ được dùng để sưởi ấm nhà cửa trong mùa đông lạnh lẽo mà còn là loại nguyên liệu và nhiên liệu quan trọng trong các sản xuất công nghiệp như hóa chất, phân bón, thủy tinh, … Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chuẩn bị cho phương án dừng hoạt động một phần trong mùa đông sắp tới.
Mỹ không phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều như châu Âu nên không gặp phải vấn đề tương tự. Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái, nhưng nếu châu Âu suy thoái trầm trọng hơn thì Euro vẫn sẽ yếu đi so với USD.
ECB chậm chân trong cuộc đua lãi suất
Tháng 5 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Ngày 13/7, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo giá tiêu dùng tháng 6 và các chuyên gia dự báo tỷ lệ lạm phát có thể tiếp tục tăng lên 8,8%.
Châu Âu cũng không tụt xa phía sau. Lạm phát tháng 5 là 8,1% và có khả năng vọt lên 8,6% trong tháng 6. Đây đều là những mức cao chưa từng thấy kể từ khi Eurozone ra đời năm 1999.
Để chống lạm phát, Fed đã ba lần nâng lãi suất trong nửa đầu năm nay, lần lượt thêm 25 điểm, 50 điểm và 75 điểm cơ bản vào các cuộc họp tháng 3, tháng 5 và tháng 6.
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không tăng lãi suất trong suốt 11 năm qua và dự kiến đến cuối tháng 7 này mới có động thái thắt chặt tiền tệ đầu tiên.
Nhìn chung, ECB sẽ không thể nâng lãi suất quá mạnh vì có nguy cơ đẩy các nền kinh tế yếu kém trong khối vào suy thoái.
Việc Fed liên tục nâng lãi suất trong khi ECB dậm chân tại chỗ đã khiến cho các tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn so với tài sản bằng Euro. Dòng tiền của các nhà đầu tư vì vậy đã rời bỏ Euro để chuyển sang USD, qua đó làm cho đồng bạc xanh của Mỹ lên giá so với đồng tiền chung châu Âu.