Những ngày này, tại khu vực Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), khi các phương tiện dừng đèn đỏ, những đứa trẻ xin ăn (mỗi nhóm 2-5 em) lại bồng bế nhau nhào ra đường đeo bám để xin tiền. Đứa lớn cõng đứa bé, tất cả đều gầy guộc, đen nhẻm, mồ hôi đầm đìa trong cái nắng nóng gay gắt và bất chấp nguy hiểm. Nhìn các em len lỏi trong dòng xe cộ để xin tiền mà nhiều người thấy ái ngại và lo lắng.
Chị Hoàng Thị Nhung, một người dân địa phương cho biết: Nhóm trẻ này luôn có một phụ nữ quản lý. Nếu xin được tiền thì bà ta cho ăn, uống nước. Đứa nào không xin được sẽ bị đánh, hăm dọa. Mấy đứa nhỏ sợ nên phải ra đường quỳ để xin tiền đưa cho bà ta. Theo chị Nhung, sáng sớm mỗi ngày, nhóm trẻ này đều đi xe ôm, xe buýt từ nơi khác tới để xin tiền. Khi trời tối, họ đưa chúng vào các quán nhậu, quán ăn quanh khu vực Khu công nghiệp Tân Bình để xin ăn.
Những ngày cuối tháng 5/2023, chúng tôi tiếp cận hai phụ nữ ngồi sau gốc cây tại Công viên Gia Định để theo dõi nhóm trẻ đang xin tiền ở các ngã tư. Thấy người lạ đến gần, cả hai đứng dậy, rất cảnh giác. Chúng tôi hỏi thăm, ngỏ ý muốn giúp đỡ tìm việc thì họ lắc đầu và ra dấu bằng tay không hiểu tiếng Việt, rồi vội vã chạy ra ngã tư dẫn những đứa bé đang đứng ăn xin băng qua đường, vào đường Quang Trung. Theo những người chứng kiến, họ luôn cảnh giác, thấy người lạ lại gần hỏi thăm hay chụp hình liền vội ra tín hiệu và dẫn các bé đi ngay. Nhóm này "làm ăn" ở đây đã nhiều tháng nay.
Lao ra đường xin tiền khi xe dừng đèn đỏ
Chúng tôi ghi nhận tình trạng trẻ xin ăn xuất hiện khắp các quận, huyện, từ khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, Cách Mạng Tháng 8, vòng xoay Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Nguyễn Văn Linh (quận 7)... cũng có rất nhiều em nhỏ tham gia ăn xin. Đặc biệt nguy hiểm, nhiều trẻ còn băng ngang qua đường trước đầu xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Qua quan sát nhiều ngày, chúng tôi phát hiện đằng sau từng nhóm trẻ ăn xin đều có người lớn làm nhiệm vụ đưa đón, cảnh giới và thu tiền khi các em xin được. Bên cạnh đó, những ông bố, bà mẹ còn cõng trên lưng một đứa con nhỏ tại các Bệnh viện Nhi Đồng 2, Chợ Rẫy, Ung Bướu... để xin ăn. Tại một số khu vực này, ngoài người già, trẻ em, người tàn tật còn có những thanh niên lành lặn dùng chiêu "khổ nhục kế" bằng việc quỳ hoặc nằm lăn lộn dưới trời mưa, nắng để xin tiền người qua lại.
Anh Trần Văn Thành (thuộc lực lượng Thanh niên xung phong trực tại Dinh Độc Lập, quận 1) cho biết, tại đây có nhiều nhóm trẻ em đi xin tiền, thậm chí của người nước ngoài. Bọn trẻ làm mọi cách như chìa tay, khóc than, vái lạy, đứng giữa trưa nắng, mưa dông để lấy lòng thương hại của mọi người. Nguy hiểm nhất là nhiều bé băng ngang đầu xe, đi giữa đường khi dòng xe đông đúc đang lưu thông, rất dễ gây tai nạn. Cứ khoảng 6 giờ sáng, bọn trẻ đã xuất hiện tại đây cho đến tận chiều tối. Không biết ai đưa các em đến, đi bằng cách nào, ở trọ nơi đâu, ai là người trông giữ?.
Trẻ nhỏ ăn xin bất chấp nắng, mưa
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định 29/2017 của UBND thành phố. Theo đó, các quận, huyện và TP.Thủ Đức có trách nhiệm tuần tra, phát hiện, phân loại, lập hồ sơ để Sở tiếp nhận và chuyển các đối tượng lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, phường, xã, thị trấn để tiếp nhận.
Cũng theo ông Thinh, các đối tượng là người ăn xin, người già neo đơn nhiều lần được đưa vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng khi đưa tới nơi nhiều người nhào tới cào cấu, la lối. Hiện nay, thành phố đã thành lập các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật. Trung tâm sẽ đề xuất xem xét, dạy nghề theo nguyện vọng cho người lang thang xin ăn còn sức lao động cũng như có chính sách hỗ trợ sinh kế cho họ. Có như vậy, mới từng bước hạn chế được người lang thang xin ăn. Là thành phố lớn và đông dân, nếu không kiên quyết xử lý, nạn ăn xin sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng.
Cảnh vạ vật xin tiền ở bất cứ đâu
Theo đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để xử lý quyết liệt, thường xuyên và dứt điểm tình trạng ăn xin trên đường phố, trả lại môi trường đô thị văn minh, sạch đẹp cho thành phố. Đối với các hành vi tổ chức, chăn dắt, trục lợi người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật... để ăn xin, phải nhanh chóng xử lý nghiêm. Chính quyền địa phương cần mở rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở phúc lợi xã hội. Các đối tượng có nơi thường trú ngoại tỉnh thì liên hệ chính quyền địa phương để giao trả cho nơi đó giải quyết.
Trả lời câu hỏi làm sao để hạn chế tình trạng ăn xin, ông Lê Văn Thinh cho rằng cần sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân. Sở đã khuyến nghị chính quyền địa phương xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia với người có nơi cư trú rõ ràng; hỗ trợ sinh kế cho người khó khăn; tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, giải quyết những trường hợp xin ăn, sinh sống ở nơi công cộng, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng đối tượng yếu thế đi xin ăn để trục lợi...