Thai 36 tuần, suýt ngạt vì dây rốn siết chặt
Bệnh nhân là sản phụ N.T.T.L. (28 tuổi, ngụ Vĩnh Long) nhập viện khi thai được 36 tuần 5 ngày với biểu hiện đau trằn bụng, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Dù triệu chứng không rõ ràng, các bác sĩ Khoa Sản – Phụ khoa đã nhanh chóng thăm khám và chỉ định siêu âm, ghi nhận dây rốn quấn cổ một vòng.
![]() |
Dây rốn bị thắt nút là nguyên nhân khiến thai nhi có biểu hiện suy thai trong bụng mẹ |
Đáng chú ý, kết quả đo tim thai cho thấy nhịp tim nhanh xen kẽ những nhịp giảm muộn – dấu hiệu của suy thai cấp. Nhận định tình huống khẩn cấp, ê kíp bác sĩ lập tức hội chẩn, tư vấn sản phụ và gia đình để tiến hành mổ lấy thai khẩn cấp.
Hơn 30 phút khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã giúp em bé có cân nặng 3,2kg chào đời an toàn. Khi tiếp cận thai nhi, các bác sĩ phát hiện dây rốn bị thắt nút, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến thai nhi thiếu ô xy và có dấu hiệu suy thai trước đó. Nếu không mổ kịp thời, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Biến chứng nguy hiểm, khó phát hiện
Theo BS Trần Văn Hùng – Trưởng khoa Sản – Phụ khoa Bệnh viện Xuyên Á, dây rốn thắt nút là một tai biến sản khoa nguy hiểm nhưng rất khó phát hiện sớm. Tỷ lệ xảy ra khoảng 0,3 - 2% các ca sinh và nguy cơ tử vong thai nhi do dây rốn thắt nút cao gấp 4 lần so với bình thường.
“Dây rốn có thể thắt nút từ rất sớm khi thai mới 9 – 12 tuần tuổi, thời điểm nước ối nhiều, thai nhỏ, dây rốn còn mềm và dài. Tuy nhiên, siêu âm thông thường rất khó phát hiện vì vị trí nút thắt không phải lúc nào cũng dễ quan sát” - BS Hùng cho biết.
Lý giải cho nguyên nhân dây rốn bị thắt nút, bác sĩ cho biết, tình trạng trên chủ yếu là do thai nhi cử động, vô tình luồn qua các vòng cung dây rốn. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như: dây rốn dài bất thường, đa ối, thai nhỏ, song thai một buồng ối, tiểu đường thai kỳ, hoặc thai phụ dùng chất kích thích.
![]() |
Sau khi được mổ lấy thai, sức khỏe của mẹ con sản phụ đang bình phục tốt |
Theo BS Hùng, một khi dây rốn đã thắt nút, không có cách nào tháo gỡ, mà chỉ có thể theo dõi sát và mổ lấy thai càng sớm càng tốt nếu phát hiện dấu hiệu suy thai. Nếu thắt nút xảy ra trong quá trình chuyển dạ, việc theo dõi tim thai liên tục bằng máy monitor là yếu tố sống còn để kịp thời can thiệp.
“Dây rốn thắt nút không có cách điều trị hay phòng ngừa hiệu quả. Cách duy nhất là theo dõi sát cử động thai, đặc biệt từ tuần thai 36 trở đi. Nếu thấy thai cử động yếu, ít, bất thường – thai phụ phải đi khám ngay” – BS Hùng nhấn mạnh.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, trong thai kỳ, người mẹ hãy lắng nghe cơ thể mình và đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của thai nhi. Một cử động yếu đi, một lần thai đạp bất thường… có thể là tín hiệu kêu cứu của bé. Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ và theo dõi tim thai bằng máy monitor trong những tuần cuối là yếu tố then chốt để phát hiện các dấu hiệu suy thai sớm.