Ngày 25.4, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức buổi họp mặt và vinh danh 50 kiều bào tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM.
Trong số đó, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã truy tặng giấy khen cho 4 cá nhân đã dành trọn đời mình cống hiến cho quê hương.
Một trong những gương mặt tiêu biểu là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (1930 - 2020), người Việt Nam tại Pháp. Ông từng là Tổng thư ký Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, khởi xướng nhiều hoạt động văn hóa yêu nước. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến trên cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Trưởng ban Việt kiều TP.HCM - tiền thân của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM hiện nay.
Thứ hai là TS Nguyễn Trí Dũng (1948 - 2024), người Việt Nam tại Nhật Bản, là một chuyên gia phát triển kinh tế quốc tế, từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Ông sáng lập Trường doanh thương Trí Dũng - một trong những ngôi trường tư nhân đầu tiên đào tạo quản trị kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời lập nên chương trình Giấc mơ Việt Nam để kết nối nguồn lực kiều bào cho sự phát triển của đất nước. Với những đóng góp tích cực cho mối quan hệ Việt - Nhật, ông được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc vào năm 2015.

Đại diện gia đình của cố TS Nguyễn Trí Dũng nhận biểu trưng và giấy khen của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM
ẢNH: P.T.N
Thứ ba là TS Nguyễn Chánh Khê (1952 - 2020), người Việt Nam tại Mỹ, là một nhà khoa học tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông từng làm việc tại các tập đoàn lớn như Kodak và HP trước khi trở về nước năm 2002 để dẫn dắt Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông là người đầu tiên cùng cộng sự phát triển thành công vật liệu carbon nanotube tại Việt Nam, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ khoa học trẻ, với hơn 60 bằng sáng chế quốc tế.
Còn với TS Đỗ Tấn Sĩ (1942 - 2024), người Việt Nam tại Bỉ, hành trình cống hiến cho quê hương bắt đầu từ những ngày ông còn là du học sinh. Không chỉ giảng dạy tại ĐH Quốc gia Mons, ông còn sáng lập Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ, xuất bản báo Giải phóng để ủng hộ phong trào kháng chiến. Sau năm 1975, ông tiếp tục đồng hành với công tác kiều bào trong nước, giữ nhiều trọng trách và góp phần quan trọng vào việc gắn kết cộng đồng người Việt Nam toàn cầu.

Đại diện gia đình của cố TS Đỗ Tấn Sĩ nhận biểu trưng và giấy khen
ẢNH: P.T.N
56 cá nhân còn lại đều là những nhà khoa học, trí thức, chuyên gia và doanh nhân kiều bào tiêu biểu, đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Singapore…
Trong đó, có nhiều kiều bào đã hoặc đang là giảng viên tại các trường đại học lớn trong nước.
Điển hình là GS Đặng Lương Mô, người Việt Nam tại Nhật Bản, hiện là giáo sư danh dự của Đại học Hosei, Tokyo. Ông là người sáng lập và hiện là cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Trước đây, ông từng đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. Với hơn 300 công trình nghiên cứu và nhiều bằng sáng chế quốc tế, ông được xem là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.
Hay GS Võ Văn Tới, người Việt Nam tại Mỹ, nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông là người sáng lập ngành kỹ thuật y sinh tại trường này và từng giữ nhiều vị trí quan trọng ở nước ngoài, như Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và giáo sư tại Đại học Tufts (Mỹ).
GS Lương Văn Hy, người Việt Nam tại Canada, giáo sư Nhân học tại Đại học Toronto và giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông từng giảng dạy tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn và là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (AAS).

Trao giấy khen và biểu trưng cho GS Dương Nguyên Vũ
ẢNH: P.T.N
GS Dương Nguyên Vũ, người Việt Nam ở Pháp, nguyên Giám đốc sáng lập và Chủ tịch khoa học hệ thống tại Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trao giấy khen và biểu trưng cho PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
ẢNH: P.T.N
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, người Việt Nam ở Úc, nguyên Chủ nhiệm sáng lập bộ môn kỹ thuật hàng không của Trường đại học Bách khoa TP.HCM - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông là người đặt nền móng cho ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam và đã đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cũng trao khen tặng TS Nguyễn Đình Uyên, người Việt Nam ở Mỹ. Ông hiện là giảng viên Khoa Điện - điện tử, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông từng làm việc tại NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ.

TS Nguyễn Đình Uyên nhận giấy khen và biểu trưng
ẢNH: P.T.N
PGS-TS Bùi Quốc Bảo, người Việt Nam ở Pháp, giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng. Ông từng giảng dạy tại Trường Polytech Annecy-Chambéry, Đại học Savoie Mont Blanc, Pháp, và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng.
Danh sách còn có TS Lương Bạch Vân, kiều bào Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo. Bà là chuyên gia trong lĩnh vực hóa học cao phân tử, từng nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng như vòng tránh thai, xuồng composite, màng địa chất…, góp phần phát triển ngành nhựa tại TP.HCM.
Hay doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Năm 1985, ông góp phần mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila của Hàng không Việt Nam, tạo dấu mốc quan trọng trong việc phá thế cấm vận và đưa Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế. Ông cũng là người tiên phong đưa nhiều thương hiệu quốc tế vào Việt Nam, đóng góp lớn trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

TS Nguyễn Quốc Bình, người Việt Nam tại Canada, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, là người đặt nền móng cho trung tâm này và có nhiều đóng góp cho ngành công nghệ sinh học tại Việt Nam
ẢNH: P.T.N
Kiều bào cùng chung tay phát triển đất nước
Phát biểu tại chương trình, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nhấn mạnh rằng cộng đồng người Việt xa quê luôn giữ vững truyền thống yêu nước, gắn bó với Tổ quốc và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh nguồn lực kiều hối quan trọng, thời gian qua, TP.HCM đã tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ kiều bào trên nhiều lĩnh vực như chính sách, quy hoạch, đổi mới sáng tạo… thể hiện sự đồng hành và trách nhiệm của kiều bào với sự phát triển thành phố.

TP.HCM vinh danh các kiều bào tiêu biểu nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất
ẢNH: P.T.N
Theo bà Mai, từ khoảng 4,5 triệu người sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã vượt 6 triệu người, có mặt tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% cư trú tại các nước phát triển.
Không chỉ góp phần vào sự phát triển ở nơi sinh sống, kiều bào còn đóng vai trò cầu nối trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời luôn hướng về quê hương bằng những hành động cụ thể.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cũng đã triển khai nhiều hoạt động biểu dương, tôn vinh để ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của cộng đồng kiều bào. Những hoạt động này không chỉ là lời cảm ơn mà còn là sự khích lệ để kiều bào tiếp tục chung tay góp sức vào sự phát triển của TP.HCM và đất nước trong thời kỳ mới.
Bà Mai tỏ kỳ vọng cộng đồng kiều bào tiếp tục phát huy truyền thống ấy, tích cực hiến kế, góp ý chính sách, đặc biệt là các luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời giữ vai trò cầu nối quan trọng trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, lắng nghe và tiếp thu ý kiến kiều bào một cách cầu thị.
Ông cũng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các đề án trọng điểm như phát huy nguồn lực kiều hối đến năm 2030, xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào, đề án tôn vinh tiếng Việt…, đồng thời tăng cường kết nối với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để huy động hiệu quả nguồn lực kiều bào cho sự phát triển của TP.HCM và cả nước.
Danh sách các cá nhân được vinh danh: