Gãy xương – hậu quả âm thầm nhưng chết người
Trao đổi với phóng viên PGS.TS.BS Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, loãng xương không chỉ là bệnh của người già mà đang ngày càng trẻ hóa. Ước tính, 30% phụ nữ và 15% nam giới trên 50 tuổi ở Việt Nam bị loãng xương. Đáng lo hơn, khoảng 7-10% người trẻ (20-50 tuổi) cũng đang mang trong mình nguy cơ tiềm ẩn.
![]() |
Loãng xương là căn bệnh âm thầm nhưng làm gia tăng nguy cơ tử vong cho cộng đồng |
“Gãy xương do loãng xương làm tăng gấp 3 đến 5 lần nguy cơ tử vong. Nhiều trường hợp gãy cổ xương đùi được điều trị cố định, nhưng nếu không điều trị loãng xương đi kèm, bệnh nhân có thể tái gãy chỉ sau vài tháng. Đó là một thất bại điều trị nghiêm trọng” – PGS Thành Toàn cảnh báo.
Trước thực trạng đáng báo động, hơn 10 năm trước Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai mô hình FLS và chính thức đăng ký với IOF gần 2 năm qua. Mô hình đã có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa nhằm hướng tới không bỏ sót bệnh loãng xương sau mỗi ca gãy xương. Mỗi bệnh nhân gãy xương được lập hồ sơ theo dõi, đánh giá mật độ xương, điều trị lâu dài, tập phục hồi và được giáo dục kiến thức về bệnh.
“Chúng tôi xây dựng phần mềm theo dõi bệnh nhân, nhắc lịch tái khám, hỗ trợ vận động lâu dài. Đây là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn nguy cơ tái gãy xương” – PGS Thành Toàn cho biết.
Mô hình cộng đồng chăm lo sức khỏe xương cho người Việt
Chứng nhận chuẩn bạc từ IOF không chỉ là danh hiệu, mà là sự ghi nhận quốc tế cho hệ thống quản lý gãy xương chuẩn hóa, có hiệu quả và bền vững. Để đạt được, bệnh viện phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe như thời gian chẩn đoán sau gãy xương, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị loãng xương, hiệu quả phục hồi chức năng. Đến nay, ngoài Bệnh viện Thống Nhất, chưa có đơn vị nào tại Việt Nam đạt mức chuẩn bạc.
![]() |
Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đón nhận nhiều giải thưởng, chứng nhận quốc tế |
Hiện nay, Thống Nhất đã thành lập câu lạc bộ loãng xương đầu tiên tại Việt Nam, sinh hoạt định kỳ để tuyên truyền kiến thức cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện nghiêm cấm bác sĩ kê thực phẩm chức năng cho người bệnh. “Chúng tôi không chỉ muốn chữa bệnh, mà muốn thay đổi tư duy cộng đồng về loãng xương – một căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm” – PGS Thành Toàn nhấn mạnh.
PGS Thành toàn khuyến cáo, để phòng tránh gãy xương do loãng xương cộng đồng cần vận động thể dục thể thao thường xuyên (đi bộ, yoga, dưỡng sinh…). Ăn đủ canxi: Ưu tiên cá nhỏ ăn được cả xương, rau xanh, đậu hũ. Bổ sung vitamin D tự nhiên bằng cách tắm nắng 15 phút mỗi ngày trước 9h sáng. Tránh thuốc lá, rượu bia, và các thực phẩm làm giảm hấp thu canxi. Khám định kỳ, đo mật độ xương nếu có yếu tố nguy cơ. Không tự ý dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc khi chưa có chỉ định bác sĩ.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bệnh viện Thống Nhất đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn, được các tổ chức quốc tế công nhận. Ngày 25/4 bệnh viện chính thức thành lập Tạp chí Sức khỏe và Lão hóa. Dịp này, bệnh viện cũng tiếp tục nhận giải thưởng kim cương của Hội Đột quỵ thế giới. Nhận chứng nhận chuẩn B điều trị suy tim của Hiệp hội Tim mạch và suy tim châu Âu. Nhận chứng chỉ ISO 2 khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò Chức năng.