Phần ngón tay đeo nhẫn của bé trai sau khi được cắt lấy chiếc nhẫn ra bị sưng nề - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hai bé là hai anh em ruột, ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Theo lời kể của gia đình, trước đó hai anh em rủ nhau mua nhẫn bằng kim loại trên mạng về đeo. Sau khi đeo vào ngón tay khoảng một ngày, hai bé thấy ngón tay hơi sưng nên tháo ra.
Tuy nhiên do nhẫn quá chật, càng cố tháo ra thì ngón tay càng bị sưng tấy và đau, gia đình đưa hai cháu đến bệnh viện địa phương nhờ can thiệp.
Tại đây các bác sĩ không có dụng cụ để lấy dị vật, hai bệnh nhi được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ xử lý. Tình trạng lúc này càng trầm trọng, ngón tay đeo nhẫn bàn tay phải đã sưng nề, tấy đỏ do vòng kim loại chật và siết vào da.
Qua thăm khám, ban đầu ê kíp cấp cứu dự định gây mê, gây tê để tìm cách giảm áp ngón tay, giảm phù nề để tháo dị vật. Tuy nhiên nhận thấy giải pháp này khó khả thi, bác sĩ đã làm tiểu phẫu dùng cưa để cưa 2 mặt vòng kim loại.
Sau hơn 1 giờ thận trọng cưa, cuối cùng chiếc nhẫn trên bàn tay sưng nề đã được tháo thành công, phần ngón tay đeo nhẫn suýt bị hoại tử.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tình trạng trẻ em nuốt, mắc phải dị vật rất phổ biến. Phổ biến nhất là các ca nuốt hoặc nhét dị vật vào mũi, miệng ở trẻ nhỏ, trẻ lớn thì nghịch vật lạ, đeo nhẫn, một số loại ốc bằng kim loại vào ngón tay, ngón chân… sau đó không tháo ra được.
Để hạn chế tình trạng này, người lớn cần có giám sát và phát hiện kịp thời, tránh xảy ra các tình huống nguy hiểm với trẻ