Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tăng 0,3% sau 6 tháng tăng trưởng âm
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố, 8 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP HCM ước thực hiện 344.826 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá, góp phần đưa thu nội địa tăng 23,8%.
Đặc biệt, sau 6 tháng giảm liên tiếp, thu từ xuất nhập khẩu tại TP HCM bất ngờ đảo chiều, ghi nhận mức tăng trưởng 0,3%. Cụ thể, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 83.648 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và chiếm 24,3% tổng thu cân đối.
Thu cân đối ngân sách địa phương 8 tháng ước thực hiện 114.676 tỷ đồng, đạt 81,3% dự toán, chiếm 33,3% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước và tăng 47,2% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) trong 8 tháng ước thực hiện 46.532 tỷ đồng, đạt 31,0% dự toán và giảm 8,1% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 45.715 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán và tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Số liệu từ Cục Thống kê TP HCM cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục hồi phục so với cùng kỳ ở cả ba chỉ số: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% và chỉ số tồn kho giảm 14,0%.
IIP tháng 8 tại TP HCM ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ.Dự ước IIP 8 tháng năm nay của thành phố tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng vốn đăng ký giảm
Tính đến ngày 20/8, TP HCM đã cấp phép 34.626 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt 272.867 tỷ đồng, tăng 6,5% về giấy phép và giảm 10,2% về vốn so với cùng kỳ, quy mô vốn bình quân mỗi doanh nghiệp giảm 15,7%.
Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,6% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là công ty TNHH, công ty cổ phần chiếm 7,6%, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,8%.
Phân theo khu vực kinh tế, có đến 82,4% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường trên địa bàn thành phố tăng 8,8%, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 7,4% (cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 58 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 65,8%
Theo đánh giá của Cục Thống Kê TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương trong tháng 8 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, ước tính đạt 105.853 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố ước đạt 765.233 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành có mức tăng cao 65,8%,ước đạt 27.980 tỷ đồng.
CPI tăng 3,23%, 10/11 nhóm hàng tăng giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2024 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông, tăng 0,85%; giảm nhiều nhất là nhóm giao thông, giảm 1,13%.
Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với mức tăng 7,80%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48%.
Dư nợ tín dụng đạt 3,7 triệu tỷ đồng
Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM ước đạt 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, phân theo loại tiền tệ, dư nợ tín dụng bằng VNĐ ước đạt 3,564 triệu tỷ đồng, chiếm 96,3% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ; dư nợ ngoại tệ ước đạt 136.800 tỷ đồng, chiếm 3,7%, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 24,0% so với cùng kỳ.
Phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,752 triệu tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ; dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 1,949 triệu tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng dư nợ, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
Cục Thống kê TP HCM cho biết, tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện 25.256,3 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 25.220,2 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 31,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 36,1 tỷ đồng, bằng 13,0% so với cùng kỳ, đạt 32,1% kế hoạch cấp huyện.
Tính đến ngày 23/8, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 13.924,4 tỷ đồng, đạt 17,6% so với kế hoạch vốn năm 2024.
Hiện tại, trên địa bàn TP HCM, hàng loạt công trình trọng điểm đang được thành phố tích cực triển khai, điển hình như:
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Trong tháng 8, nhà thầu Hitachi đã bàn giao thiết bị, đoàn tàu gồm 11 hệ thống: Đoàn tàu, đường ray, thẻ vé, hệ thống thông tin, tín hiệu, biển báo hiệu và các hệ thống cung cấp nguồn điện; cấp điện trên cao; hệ thống thiết bị ở Depot, nhà xưởng; kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu; hệ thống cửa chắn ke ga. Dự kiến, tháng 11, toàn tuyến Metro 1 vận hành thử, phục vụ công tác nghiệm thu cùng đánh giá an toàn hệ thống và vận hành chính thức vào cuối năm 2024.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%; trong đó Quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%, hai hộ còn lại thuộc địa bàn Quận 3 đang được tích cực vận động bàn giao mặt bằng. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Tuyến Metro số 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 TP HCM được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đang triển khai. Dự án đang tăng tốc các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền đường; khối lượng thi công đạt gần 18%. Dự kiến tình trạng thiếu cát của dự án sẽ được giải quyết sớm nhất trong tháng 9 năm 2024 khi được các địa phương hỗ trợ các mỏ cát.
Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 TP HCM đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 99,0%; trong đó có 1.675/1.692 trường hợp đã bàn giao mặt bằng và 17 trường hợp chưa đồng ý bàn giao sẽ lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất (TP Thủ Đức 15 trường hợp, huyện Bình Chánh hai trường hợp).
Dự án mở rộng Quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp; trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tại khu vực đường song hành đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 27 hộ dân và hai doanh nghiệp (11 trường hợp thuộc doanh nghiệp Gia Hòa và Khang Phúc) khiến công trường bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Trong khi đó tại Quốc lộ 50 hiện hữu (đoạn từ điểm giao với đường song hành giáp ranh tỉnh Long An) đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: 9/10 gói thầu được đẩy nhanh tiến độ nhưng gặp khó khăn mặt bằng chưa đáp ứng. Mặt bằng dự án nhiều đoạn hẹp, không bố trí đủ thiết bị thi công loại cẩu lớn, dễ gây sạt lở kênh; các đường dây điện trung, hạ thế, trạm biến áp, viễn thông chưa được di dời và hệ thống thoát nước dọc hai bờ kênh chưa được xử lý. Gói thầu XL-10 chưa thể thi công vì 19/150 trường hợp chưa giao mặt bằng tại Quận 12. Dự kiến dự án hoàn thành vào 30/4/2025.