Các doanh nghiệp bán lẻ đã nhanh chóng tham gia vào hoạt động cứu trợ cho đồng bào miền Bắc đang gặp khó khăn vì bão lũ. CTCP Thế Giới Di Động đã chủ động triển khai một đơn hàng đặc biệt với 10.000 nồi cơm điện tặng người dân vùng lũ, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Theo CEO Đoàn Văn Hiểu Em, dù nhiều cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tại các khu vực bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 3-5% tổng số cửa hàng trong hệ thống, công ty vẫn đảm bảo các sản phẩm thiết yếu như sạc dự phòng, đèn tích điện, và các mặt hàng gia dụng luôn sẵn sàng phục vụ người dân.
Ngoài Thế Giới Di Động, Tập đoàn Masan cũng gửi 16.000 phần quà với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các phần quà này bao gồm những sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu như mì gói, phở, miến, xúc xích và cháo. Masan còn thành lập Ban Hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ nhân viên và gia đình của họ.
Bên cạnh đó, WinCommerce, một đơn vị của Masan, đã đóng góp 400 triệu đồng để thăm hỏi và giúp đỡ các nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai.
Trong khối ngân hàng, hàng loạt các đơn vị đã thể hiện tinh thần tương trợ cao khi đóng góp số tiền lớn để giúp đỡ đồng bào miền Bắc. Tính tới chiều ngày 10/9 ,Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đại diện ngành ngân hàng Việt Nam trao tặng 38,4 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại.
Trong số các ngân hàng ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ, có 17 ngân hàng mỗi đơn vị ủng hộ 2 tỷ đồng gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VPBank, SHB, ACB, Eximbank, LPBank, TPBank, SeABank, BacABank, VIB, Nam A Bank và Woori Bank Việt Nam. Các ngân hàng đóng góp 1 tỷ đồng gồm MSB, BaoVietBank và Shinhan Bank Việt Nam. ABBank và VietABank ủng hộ 500 triệu đồng, trong khi VietBank và KienlongBank mỗi ngân hàng ủng hộ 200 triệu đồng.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đóng góp 20 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ủng hộ các tổ chức và địa phương bị thiệt hại với tổng số tiền là 12 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ tiếp tục vận động 30.000 người lao động Petrolimex quyên góp, ủng hộ đến các địa phương nói trên.
Các đơn vị trong ngành vận tải cũng đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Vietnam Airlines đã cam kết vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco. Bamboo Airways cũng thông báo sẵn sàng vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ trong giai đoạn từ 11/9 đến 26/9.
Vietjet Air không chỉ miễn phí vận chuyển hàng cứu trợ mà còn trích 5.000 đồng từ mỗi vé máy bay bán ra cho đến ngày 30/9, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 5 tỷ đồng vào quỹ cứu trợ.
Bên cạnh các hãng hàng không, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã tham gia vào các hoạt động cứu trợ bằng cách miễn phí vận chuyển hàng hóa cứu trợ từ các tổ chức và cá nhân thông qua các đơn vị như UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội Chữ thập đỏ. Các nhà xe chạy tuyến tại các khu vực bão lũ cũng đã miễn phí vận chuyển thuyền, cano và các hàng hóa cứu trợ đến những vùng bị cô lập bởi thiên tai.
Beta Group của Shark Minh Beta với hệ thống rạp phim tại Thái Nguyên, Bắc Giang và Lào Cai, cũng đã triển khai hỗ trợ tài chính cho các nhân viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Công ty đã tặng 2 triệu đồng cho mỗi nhân viên và đồng thời đóng góp thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ các tỉnh bị ngập lụt nặng. Một "cá mập" khác là Shark Bình đã ủng hộ 500 triệu đồng tớiquỹ Mặt Trận Tổ quốc.
Trong khối ngành F&B, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chung tay ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ. Chuỗi Katinat công bố sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra từ ngày 12/09 đến hết 30/09 để đóng góp vào quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng nhà D1 Concepts, chuỗi Phê La cũng đã ủng hộ trực tiếp 500 triệu đồng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, thể hiện tinh thần tương thân tương ái cùng cả nước hướng về miền Bắc.