Thành lập năm 2013 bởi Sytse Sijbrandij và Dmitriy Zaporozhets, GitLab hiện là nền tảng môi trường ảo quen thuộc với các lập trình viên, cung cấp cho họ những bộ code chung để làm việc và phát triển phần mềm của riêng mình.
Nhận hàng trăm triệu USD sau nhiều vòng tài trợ từ khi ra mắt, GitLab hiện được định giá hơn 1 tỷ USD, doanh thu đạt trên 100 triệu USD. Điều tạo ra sự khác biệt của startup này với những công ty công nghệ khác là toàn bộ nhân viên đều làm việc từ xa. Không hề có văn phòng, GitLab hiện đang điều hành hơn 700 nhân sự làm việc từ xa, đến từ 45 quốc gia trên toàn thế giới.
Những lợi ích từ làm việc từ xa có thể dễ dàng nhận thấy như giảm chi phí thuê văn phòng, chi phí quản lý, chiêu mộ nhân tài từ khắp nơi trên thế giới,… Đây là hình thức không còn mới lạ nhưng để vận hành một công ty mà 100% nhân lực đều không có mặt tại văn phòng lại là câu chuyện không hề đơn giản.
2 nhà đồng sáng lập GitLab.
Nhưng startup kỳ lân GitLab đã giải được bài toàn này, và đây là cách họ thực hiện.
Họp mỗi sáng
Khẩu hiệu của GitLab là "Đừng làm một mình". Họ khuyến khích những cuộc họp qua webcam. Mỗi buổi sáng, lúc 8:00 CET, các nhân viên trong một đội sẽ họp nhóm bằng ứng dụng Vline.
Bên cạnh đó, luôn có một sổ nhật ký được lập trên Google Docs, giới hạn trong 45 phút, cho phép mọi thành viên chỉnh sửa. Cuộc họp bắt đầu bằng việc chia sẻ công việc đã làm trong ngày hôm trước, tiếp đến là những điểm lưu ý đã được điểm qua trong nhật ký. Tuy nhiên, nội dung cuộc họp không nhất thiết chỉ tập trung vào công việc mà những chủ đề như phim ảnh, tạp chí hay âm nhạc đều có thể được bàn luận cùng nhau.
Nhân viên của GitLab họp mỗi sáng qua webcam.
Các buổi thảo luận chuyên sâu sẽ được thực hiện sau đó, chỉ với những người liên quan để tránh làm mất thời gian và gây nhàm chán cho thành viên khác.
Những cuộc họp và thuyết trình sẽ được tải lên YouTube. Sổ tay nhân viên (GitLab Handbook) - dài hơn 1.000 trang nếu phải in ra - được công khai trực tuyến dưới dạng tài nguyên, vì vậy nhân viên có thể cập nhật thông tin mà không đánh thức đồng nghiệp ở múi giờ khác.
Sổ tay chung để mọi nhân viên có thể truy cập ở bất kỳ đâu.
Giờ làm việc
Mọi người được tự do lựa chọn giờ làm nhưng hầu hết đều làm việc trong giờ hành chính. Là một công ty khởi nghiệp, khối lượng công việc vô cùng lớn nhưng công ty luôn thoải mái và linh hoạt trong việc giờ giấc để đảm bảo nhân viên có được cuộc sống đời tư cùng trạng thái tinh thần tốt nhất.
Giờ giấc làm việc của nhân viên GitLab rất linh hoạt và thoải mái.
Giao tiếp
Văn hóa GitLab không ủng hộ việc làm gián đoạn người khác. Vì vậy, khi đề cập đến một vấn đề, hoặc ai đó bị đặt câu hỏi, họ không bắt buộc phải trả lời ngay mà có thể phản hồi khi có thời gian.
Đối với những cuộc trò chuyện, giao tiếp, họ dùng các ứng dụng Slack và các nền tảng gọi video như Google Hangouts, Skype và vLine. Điều này cũng được áp dụng tương tự khi giao tiếp với khách hàng.
Sẻ chia hạnh phúc với CEO
Đây là một trong những văn hóa nội bộ đáng chú ý nhất của GitLab. Mỗi tuần, mọi nhân viên sẽ trò chuyện với Sytse (CEO của GitLab) về những niềm hạnh phúc của họ. Điều này xuất phát từ việc nhà sáng lập muốn đảm bảo mọi người đều vui vẻ và không thiếu thứ gì. Khi đạt được mục tiêu hàng tháng, nhân viên sẽ được thưởng một bữa tối miễn phí.
Bên cạnh đó, GitLab vẫn có những buổi tụ họp ở thế giới thực. Cứ vào ngày 22 mỗi tháng, những nhân viên có khả năng sẽ gặp mặt, ăn uống và trò chuyện cùng nhau.
Không dễ để tạo nên văn hóa làm việc từ xa, nơi hơn 700 người có thể cùng nhau làm việc hiệu quả. Các nhà lãnh đạo GitLab cũng thường xuyên nghĩ về nó và đầu tư lớn cho bộ phận nhân sự. Sijbrandij thậm chí đã thuê phó chủ tịch tài năng của Netflix, Barbie Brewer, làm giám đốc nhân sự.
Sau 6 năm thành lập, mô hình của GitLab vẫn hoạt động hiệu quả. Công ty ghi nhận doanh thu tăng đến 6.213%, từ hơn 165.000 USD năm 2014 lên gần 10,5 triệu USD chỉ 2 năm sau đó, đứng thứ 44 trong danh sách 5000 công ty phát triển nhanh nhất ở Mỹ.