Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,7% và năm 2023 ở mức 7%.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi trong tháng 6. Sự phục hồi có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau hai năm đóng cửa.
Standard Chartered cũng giữ nguyên dự báo mức lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam lần lượt 4,2% và 5,5%.
Các chuyên gia tại đây cho rằng lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp.
Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023. Điều này sẽ mang đến những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn. Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.
Tổ chức này dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào quý IV năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.
“Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn, tuy nhiên, chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì cách tiếp cận linh hoạt trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường, cùng với đó, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu.
Chúng tôi cũng nhận thấy một khả năng là Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khi lạm phát ngày càng gia tăng và đồng VND mất giá nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là nếu Fed tiếp tục lập trường diều hâu", ông Tim Leelahaphan cho biết thêm.
Trước áp lực lên cán cân thương mại hàng hóa đến từ giá cả hàng hóa gia tăng, tỷ giá USD-VND được dự báo sẽ đạt 23.000 vào cuối quý III/2022 và 22.800 và cuối quý IV/2022. Standard Chartered cho rằng đồng VND sẽ tăng giá mạnh mẽ trong năm sau cùng với đà phục hồi của thặng dư tài khoản vãng lai.
Báo cáo cũng chỉ ra ba yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, vẫn còn những quan ngại từ yếu tố dịch bệnh mặc dù Việt Nam đã chuyển sang “Sống chung với COVID”.
Ở khía cạnh thương mại, Mỹ cho biết đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để hạ nhiệt lạm phát, điều này có thể làm chậm sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, làm suy giảm vốn FDI vào Việt Nam, thậm chí có thể khiến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Việt Nam.
Yếu tố thứ ba, nếu suy thoái toàn cầu diễn ra sẽ ảnh hưởng nặng nề lên các nhà xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tương đương hơn 100% GDP.