Theo Nikkei, trong nhiều thập kỷ qua, máy SLR của Nikon đã được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tin dùng. Dòng sản phẩm này từng là trụ cột, xây dựng lên đế chế Nikon. Tuy nhiên, trước sự lên ngôi của nhiếp ảnh di động và máy ảnh không gương lật, hãng buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
Nikon không đưa ra phản hồi chính thức về thông tin trên. Hãng cho biết vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh dịch vụ SLR kỹ thuật số.
Tháng trước, Nikon thông báo dừng sản xuất hai mẫu DSLR phổ biến là D3500 và D5600. Công ty cho biết muốn tập trung vào "máy ảnh và ống kính có chất lượng từ trung bình đến cao cấp, nhằm hướng đến các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người đam mê chụp ảnh". Đồng thời, hãng cũng tăng cường sản xuất các sản phẩm dành cho giới trẻ vốn coi "video là trọng tâm". Theo Nikkei, năm 2021, Nikon đã bán được hơn 400.000 máy ảnh SLR.
Ngoài sự phổ biến của dòng mirrorless, máy SLR còn bị cạnh tranh bởi nhiếp ảnh di động ngày càng hiện đại trên smartphone. Hai nhân tố này đã khiến thị trường máy ảnh số bị thu hẹp thời gian gần đây.
Canon, công ty dẫn đầu thị trường máy ảnh SLR, cũng đã có động thái rút lui khỏi công nghệ này. Năm ngoái, Canon bất ngờ tuyên bố EOS-1D X Mark III sẽ là máy DSLR cao cấp cuối cùng của hãng. Khi đó, Giám đốc điều hành của Canon cho biết: "Nhu cầu thị trường đang nhanh chóng chuyển sang máy ảnh không gương lật. Do đó, chúng tôi đang dần dịch chuyển theo hướng đó". Tuy nhiên, công ty khẳng định sẽ tiếp tục sản xuất một số máy ảnh DSLR giá rẻ và tầm trung trong tương lai.
Trong khi đó, trên trang web của Sony, các dòng máy ảnh DSLR A68, A99 II và A77 II cũng đã bị xóa, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên DSLR của Sony. Năm 2016, sau khi ra mắt A99 II, Sony không còn nhắc đến việc sản xuất máy ảnh DSLR nữa.
Theo Petapixel, đây có vẻ là một quyết định tốt, giúp Nikon đơn giản hóa quá trình sản xuất và bán hàng, cho phép tập trung vào máy ảnh không gương lật trong tương lai. Nikon đang nhắm mục tiêu bán nhiều ống kính hơn và mở rộng dòng sản phẩm Z-mount lên hơn 50 ống kính vào năm 2025.
(theo Nikkei)