Đây là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành và xử lý khẩn trương đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Để hiểu rõ hơn về những tác động hiệu quả từ giá xăng dầu giảm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này:
Phóng viên: Với mức giá giảm 3.090 – 3.110 đồng/lít xăng từ 0h ngày 11/7, xin ông cho biết, giảm giá mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân; giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với làm giảm kỳ vọng lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.
Phóng viên: Giá xăng dầu giảm, sẽ tác động đến chỉ số CPI như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tính toán, mức giảm giá xăng dầu ngày 11/7/2022 có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát. Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động; việc giảm giá ngày 11/7/2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tuy vậy tác động đến giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và kiềm chế lạm phát không nhiều, vì giá xăng dầu vẫn ở mức cao; đồng thời, giá sau khi giảm sẽ giữ ổn định, tiếp tục giảm trong thời gian tới hay lại biến động tăng lên.
Thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian doanh nghiệp và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương.
Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.
Phóng viên: Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã góp phần giảm giá đối với xăng dầu, vậy để mức giá xăng dầu có thể xuống mức thấp hơn, ông có đề xuất gì?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để giá hàng hoá và dịch vụ biến động theo cơ chế thị trường, các cơ quan chức năng cần có tín hiệu và giải pháp giữ cho giá xăng dầu ổn định, không biến động thất thường, hoặc tiếp tục giảm. Có như thế mới mang lại hiệu quả của việc giảm giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định ngưỡng giá xăng dầu đối với nền kinh tế để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước không vượt ngưỡng này. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí xăng dầu trong giá bán sản phẩm.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Việc bình ổn giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian vừa qua Quỹ bình ổn xăng dầu đã thực hiện tốt vai trò và ý nghĩa quan trọng theo đúng tên của nó, mang lại hiệu quả nhất định trong việc giữ cho giá xăng dầu ổn định.
Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khi đó Chính phủ cần có giải pháp giữ giá xăng dầu ổn định theo mức giá trần phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam.
Giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2022 vẫn đứng ở mức rất cao. Cụ thể giá xăng vẫn cao hơn khoảng 6.000 đồng/lít, giá dầu cao hơn khoảng 9.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021.
Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cần rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần chia sẻ lợi ích, cùng gánh vác khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Xin cảm ơn ông!