Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định tiềm năng tăng trưởng dài hạn của BIDV vẫn chịu giới hạn bởi nguồn vốn (CAR khoảng 9%), trong khi hoạt động dịch vụ hiện tại đang thiếu động lực tăng trưởng chủ lực.
Cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước tính đạt 20.650 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giảm gánh nặng dự phòng (giảm 19% so với cùng kỳ). ROE do đó có thể tăng lên 16% (từ 9-13% trong ba năm qua).
Theo SSI, do ngân hàng không đẩy mạnh cho vay và mua trái phiếu doanh nghiệp đối với các công ty bất động sản trong những năm vừa qua, BIDV có thể chịu ít ảnh hưởng hơn so với các ngân hàng TMCP khác từ những động thái gần đây của các cơ quan quản lý đối với thị trường bất động sản & trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng cũng đã trải qua giai đoạn xử lý tài sản có vấn đề, với chi phí dự phòng thường chiếm 40% tổng thu nhập hoạt động. Ước tính cho năm 2022-2023, tỷ lệ chi phí dự phòng trên tổng thu nhập hoạt động sẽ giảm còn 35% và 33%, giúp khả năng sinh lời dần cải thiện.
Ngoài ra, mặc dù ngân hàng đang xem xét về cấu trúc sở hữu liên quan đến mảng bảo hiểm nhân thọ (BIDV MetLife), nhóm phân tích cho rằng việc này có thể chưa sớm hoàn thành (ít nhất trong năm 2022). Về khả năng phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 9% , mức giá ước tính là 40.000 đồng/cp
Cho năm 2023, công ty chứng khoán ước tính BIDV có thể đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập ngoài lãi giả định tăng 18%, do thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục (tăng 24% so với cùng kỳ) từ mức thấp trong 2022.
Tăng trưởng tín dụng và huy động ước tính đạt 10% và 11,3%. Nếu giả định BIDV phát hành thành công cổ phiếu mới (9% trước thực hiện), CAR có thể cải thiện 0,8-0,9 điểm % lên 9,6-9,7%. Đây vẫn là mức thấp so với trung bình các ngân hàng TMCP, do đó, SSI cho rằng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong 2023 có thể không biến động nhiều so với 2022.