Doanh nghiệp

SSI Research: Giá cước vận tải vẫn neo cao tới 2023, lợi nhuận của Xếp dỡ Hải An có thể vượt nghìn tỷ năm tới

 Công ty Pan Hải An - trung tâm phân phối hàng hóa tại Hải Phòng. (Ảnh: Xếp dỡ Hải An).

Giá cước vận tải có thể vẫn neo cao tới 2023

Báo cáo của SSI Research cho biết giá cước vận tải điều chỉnh khi tình trạng tắc nghẽn tạm thời lắng xuống. Trên thị trường vận tải biển toàn cầu, giá cước vận tải container bắt đầu giảm mạnh từ tháng 2 do nhu cầu suy yếu trong dịp Tết Nguyên đán, sau đó là việc các thành phố của Trung Quốc đóng cửa nghiêm ngặt theo chính sách “Zero COVID”.

SSI Research nhận định giá cước dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2022 do các yếu tố hỗ trợ ngành vận tải container vẫn còn mạnh mẽ trong thời gian tới. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ tạm thời giảm bớt, tuy nhiên vẫn ở mức cao với 1,54 triệu TEU hàng hóa nghẽn tại cảng.

Mặt khác, việc Thượng Hải mở cửa trở lại từ ngày 1/6 sau hai tháng phong tỏa sẽ đặt ra thách thức đối với khả năng xử lý hàng của các cảng biển tại Mỹ, đặc biệt là trong mùa cao điểm.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán của người lao động tại các cảng của Mỹ có thể gây thêm gián đoạn trong thời gian này. Cụ thể, công nhân các cảng Bờ Tây Mỹ và các công ty khai thác cảng thường đàm phán lại các điều khoản hợp đồng lao động vài năm một lần, và năm nay họ cần phải thống nhất hợp đồng mới trước ngày 1/7.

Việc gián đoạn dịch vụ trong ngắn hạn thường diễn ra trong quá trình thương lượng. Do đó, SSI Research dự kiến tình trạng tắc nghẽn sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023 đến khi lượng hàng tồn đọng được giải phóng, theo đó giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao. 

 

Đơn đặt hàng đóng tàu tiếp tục tăng trong những tháng gần đây khi các hãng vận tải gấp rút mở rộng đội tàu để giải quyết các hạn chế về nguồn cung.

Tổng đơn hàng đóng mới đã đạt 26% trọng tải đội tàu hiện có, với 872 tàu (6,6 triệu TEU). Tuy nhiên, phần lớn đơn hàng đóng mới dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2023 và 2024, do đó, không có áp lực lên nguồn cung tàu trong ngắn hạn.

Trong trường hợp dịch COVID-19 kết thúc và Trung Quốc ngừng áp dụng chính sách “Zero COVID” trong giai đoạn 2023 - 2024, tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và công suất tăng lên có thể sẽ gây áp lực lên giá cước.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng quá trình hợp nhất của ngành vận tải container trong thập kỷ qua sẽ giúp các hãng vận tải kiểm soát giá cước vận tải tốt hơn bằng cách: Gia tăng hoạt động phá dỡ tàu để bù lại mức độ phá dỡ rất thấp trong giai đoạn 2021 - 2022; và giảm số tàu chạy và giảm tốc độ chạy tàu để giảm nguồn cung. Do đó, công suất được kiểm soát có thể bù đắp một phần lượng tàu giao mới và giúp duy trì giá cước vận tải cao hơn mức trước COVID.

 

Lợi nhuận của Xếp dỡ Hải An có thể vượt nghìn tỷ năm tới

CTCP Vận tải Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đang thành lập công ty Liên doanh Vận tải Container ZIM – Hải An cùng với ZIM Integrated Shipping Services Ltd. (hãng vận tải container lớn thứ 10 trên thế giới), nhằm cung cấp dịch vụ vận chuyển các tuyến Nội Á trước, sau đó mở rộng dần sang các nước Nam Á, Trung Đông, Châu Đại Dương...

Thời gian đầu, Liên doanh dự kiến khai thác hai tuyến Việt Nam - Đông Nam Á (từ nửa cuối năm 2022) và Việt Nam - Trung Quốc (từ nửa đầu năm 2023).

Với vốn điều lệ 2 triệu USD, Liên doanh ZIM – Hải An sẽ không tự đầu tư đội tàu, thay vào đó sẽ thuê tàu từ HAH và ZIM. Liên doanh này sẽ mang lại hai nguồn thu nhập cho HAH: Doanh thu cho thuê tàu và lợi nhuận được chia từ việc vận hành đội tàu.

Trong vài năm qua, ngành vận tải container đã được hợp nhất mạnh mẽ, làm tăng mức độ tập trung của thị trường với việc 10 hãng tàu lớn nhất kiểm soát khoảng 85% thị trường. Bằng cách tận dụng mạng lưới quốc tế đã được thiết lập của ZIM, đội tàu của HAH có thể tiếp cận thị trường Nội Á với vai trò là tàu trung chuyển cho các dịch vụ đường dài do ZIM vận hành.

Như vậy, HAH sẽ có doanh thu đảm bảo từ các hợp đồng cho thuê tàu và đồng thời có thể gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, có thể cần thời gian để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thay đổi hành vi và chuyển sang các công ty vận chuyển trong nước (các công ty Việt Nam thường chọn nhập khẩu qua CIF và xuất khẩu qua FOB do có ít lợi thế đàm phán về điều kiện vận chuyển hàng hóa).

SSI Research cho rằng tình trạng thiếu tàu và container rỗng như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho Liên doanh ZIM – Hải An xây dựng tệp khách hàng nhanh hơn. 

Dự báo liên doanh ZIM – Hải An sẽ bắt đầu khai thác tuyến dịch vụ đầu tiên trong quý IV/2022 và tuyến dịch vụ thứ hai trong năm 2023 và có thể đạt hòa vốn trong năm đầu tiên hoạt động, đóng góp doanh thu trong mảng cho thuê tàu của HAH.

 Ảnh: Xếp dỡ Hải An.

Hiện đội tàu của HAH được chia thành hai nhóm là tàu tự khai thác và tàu cho thuê.

Tàu tự khai thác, cần ít nhất 4 - 5 tàu chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế (Hải Phòng - Hồng Kông - Nam Sa). Những tàu này giúp HAH duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại thị trường nội địa với 30% thị phần và cũng được hưởng lợi từ giá cước tăng do thiếu hụt nguồn cung ở thị trường nội địa.

Tàu cho thuê (tất cả các tàu còn lại) sẽ giúp HAH tận dụng được điều kiện thị trường thuận lợi để ký các hợp đồng dài hạn với mức giá cao. Các tàu này tạo ra biên lợi nhuận cao hơn so với các tàu tự vận hành và không bị ảnh hưởng bởi biến động của giá dầu.

SSI Research cho biết các tàu mới sẽ được ưu tiên cho nhóm này do quy mô thị trường nội địa còn khá hạn chế và kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Rủi ro giá cước cho thuê tàu có thể điều chỉnh giảm là khó tránh khỏi, tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra từ từ vì HAH thường ký hợp đồng cho thuê tàu có thời hạn từ 2 - 3 năm, giúp ổn định lợi nhuận của HAH. 

Với 2 tàu mới Anbien Bay và Haian City được bàn giao trong tháng 2 và tháng 4, đội tàu của HAH đã tăng lên 10 tàu với tổng công suất là 14.200 TEU (tăng 30% so với đầu năm). HAH cũng đã đặt đóng mới 4 tàu (cỡ 1.800 TEU) và sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2023 – 2024. HAH cũng sẽ xem xét các lựa chọn đầu tư mới cùng với kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế.

Với việc tính thêm đóng góp của liên doanh ZIM – Hải An, SSI Research ước tính HAH sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022 và 2023, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt lần lượt 855 tỷ đồng (tăng 92%) năm 2022 và 1.100 tỷ đồng (tăng 32%) năm tới.

Dự phóng trên dựa trên giả định giá cước vận tải nội địa ước tính tăng 50% trong năm 2022 và đi ngang trong năm 2023. Trong khi đó, sản lượng vận chuyển ước tính đi ngang trong năm 2022 và tăng 20% trong năm 2023.

Ngoài ra, giá dầu nhiên liệu ước tính tăng 47% trong năm 2022 và giảm 10% trong năm 2023. SSI Research nhận định rằng giá dầu tăng không ảnh hưởng đáng kể đến HAH trong năm 2022, do tỷ trọng doanh thu tự vận hành trong mảng vận tải biển giảm làm giảm mức độ phụ thuộc vào biến động giá dầu (chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 14% doanh thu trong quý I/2022 so với mức 23% trong năm 2021). Hơn nữa, phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAF) cũng được áp dụng để bù đắp thêm cho chi phí nhiên liệu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm