SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2023 của 39 công ty, trong đó 23 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận và 16 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm. Trong số đó có 27 đơn vị phi tài chính.
Đại diện nhóm thép, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) đạt khoảng 2.300 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng khoảng 15% so với quý trước và phục hồi mạnh từ mức lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022, nhờ giá thép phục hồi nhẹ đồng thời sản lượng tiêu thụ phục hồi đáng kể.
Tổng sản lượng thép xây dựng, HRC và phôi thép tăng 23% so với quý trước và 41% so với cùng kỳ đạt 2,1 triệu tấn - đây là mức sản lượng tiêu thụ theo quý cao thứ ba trong lịch sử mà công ty ghi nhận được.
Nhóm dầu khí lãi lớn quý IV
Ở nhóm dầu khí, đơn vị này dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) đạt 150 tỷ đồng, tăng 183% so với cùng kỳ. Công suất hoạt động và giá thuê ngày cao hơn ở tất cả các giàn khoan tự nâng mà PVD được ký hợp đồng quốc tế là động lực chính mang lại lợi nhuận trong thời gian gần đây.
Còn Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) được dự báo có thể đạt 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý IV, giảm 8% so với cùng kỳ do công ty tham gia nhiều hơn vào hoạt động dự án EPC trên thị trường quốc tế và các dự án năng lượng tái tạo vốn có biên lợi nhuận thấp hơn.
SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) đạt 410 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ giá cho thuê trung bình cao hơn ở các kỳ gia hạn hợp đồng tiếp theo và công suất gia tăng đươc bổ sung từ các tàu mới.
Theo kết quả kinh doanh sơ bộ, lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) ước đạt hơn 11.600 tỷ đồng trong cả năm 2023, tương đương lợi nhuận tính riêng quý IV giảm hơn 20% so với quý IV/2022, với nguyên nhân có thể do sản lượng tiêu thụ và giá dầu giảm.
Doanh nghiệp phân bón hết thời lãi đậm
Ở nhóm hoá chất và phân bón, ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đạt 360 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ cùng với xu hướng của giá urê (giảm từ quý II/2022 đến tháng 7/2023, tuy nhiên giá urê vẫn thấp hơn so với cùng kỳ trong quý IV/2023). So với quý trước, lợi nhuận dự kiến tăng 245% do giá urê đã chạm đáy và nhà máy urê của công ty đã hết khấu hao kể từ quý IV/2023.
Còn với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Mã: DPM) được dự báo có thể lãi trước thuế quý IV/2023 200 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ, từ mức đỉnh trong năm 2022, khi giá bán urê ở mức cao. So với quý trước, lợi nhuận dự kiến tăng 166%, phù hợp với sự phục hồi của giá urê.
SSI Research ước tính lợi nhuận ròng quý IV của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) đạt 950 tỷ đồng, giảm 15% so với quý IV/2022 cùng với xu hướng của giá phốt pho vàng, và lợi nhuận ước tính tăng 18% so với quý trước.
Trong nhóm nhiệt điện, đơn vị phân tích này kỳ vọng CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) có thể đạt từ 150 tỷ đồng đến 160 tỷ đồng lãi sau thuế quý IV, giảm 6% hoặc đi ngang so với cùng kỳ, so với mức lỗ 124 tỷ đồng trong quý III/2023. Chủ yếu do NT2 không còn phải tiến hành đại tu (từ ngày 7/9 đến hết tháng 10/2023).
So sánh với cùng kỳ 2022, lãi sau thuế của NT2 giảm nhẹ do giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) thấp hơn, điều này khiến NT2 hạn chế tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Còn với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) được dự báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt từ 340 tỷ đồng đến 350 tỷ đồng (giảm 65% đến 64% so với cùng kỳ), chủ yếu do sản lượng tiêu thụ điện giảm 13%.
SSI Research cho rằng sản lượng tiêu thụ tại các nhà máy điện khí thấp hơn do các bể khí ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đang giảm. Dự báo sản lượng của các nhà máy thủy điện Hủa Na và Đakđrinh sẽ thấp hơn cùng kỳ do các hồ chứa nước của các nhà máy này cần duy trì mực nước ổn định cho mùa khô năm tới.
Ngược lại, sản lượng tiêu thụ cao hơn cùng kỳ từ nhà máy Vũng Áng do Tổ máy 1 trở lại hoạt động kể từ ngày 12/8/2023.
Nhóm công nghệ, viễn thông tiếp đà tăng trưởng
Ở lĩnh vực công nghệ, viễn thông, ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của CTCP FPT (Mã: FPT) sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng từ một đến hai con số từ mảng công nghệ thông tin nước ngoài, công nghệ thông tin trong nước, viễn thông và giáo dục.
Tăng trưởng mạnh đến từ các mảng xây dựng, giải pháp tích hợp và hạ tầng cho thuê là động lực giúp lợi nhuận sau thuế của Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) đạt 146 tỷ đồng quý IV, tăng 19% so với quý IV/2022.
Ở nhóm thực phẩm, đồ uống, bộ phận phân tích ước tính CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) sẽ đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023, tăng 20% so với cùng kỳ với biên lợi nhuận gộp tăng 430 điểm cơ bản so với năm trước nhờ giá nguyên liệu sữa đầu vào giảm.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tồn tại khi người tiêu dùng vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong ngắn hạn và việc cạnh tranh khốc liệt hơn để giành thị phần có thể khiến Vinamilk khó tìm được tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ.
Kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) sẽ đạt khoảng 800 tỷ đồng (tăng 60%-70% so với cùng kỳ) nhờ giá đường trong nước và sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Đơn vị phân tích này ước tính lợi nhuận sau thuế của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) sẽ đạt 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2023 (đi ngang so với cùng kỳ) và lũy kế cả năm 2023 ước đạt 5.400 tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ).
Mặc dù quý IV/2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận thấp, nhưng lợi nhuận quý IV/2023 dự kiến vẫn chưa thể tăng do Tết Nguyên đán 2024 đến muộn hơn, cũng như áp lực từ việc tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng khi triển vọng phục hồi còn chưa rõ rệt.
Đại diện nhóm bất động sản cho thuê, CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) được dự báo lợi nhuận trong quý IV/2023 tiếp tục tăng trưởng mạnh khi đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (doanh thu cho thuê trung tâm thương mại và ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao shophouse cho người mua tại dự án Quảng Trị).
SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong quý IV/2023 của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) có thể giảm 44% so với quý IV/2022, đạt 243,9 tỷ đồng, do trong quý IV/2022, công ty ghi nhận số lượng bàn giao căn hộ tại các dự án Southgate và Akari City nhiều hơn và đợt chuyển nhượng 25% đầu tiên của dự án Paragon Đại Phước (với 244 tỷ đồng thu nhập tài chính).
Với CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Mã: KDH) sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ trong dự án The Classia cho người mua nhà và có thể đạt 365 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 230% so với cùng kỳ.
Trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, bộ phận phân tích này ước tính lợi nhuận ròng quý IV/2023 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) có thể đạt 457 tỷ đồng, so với khoản lỗ ghi nhận trong quý IV/2022, nhờ kỳ vọng bàn giao 18 ha đất khu công nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung.
Còn Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) sẽ bàn giao 14 ha đất khu công nghệ trong quý IV/2023 và ước tính lợi nhuận trước thuế giảm 97% so với cùng kỳ chỉ đạt 5 tỷ đồng, trong khi công ty phải chịu chi phí quản lý tăng mạnh.
Lũy kế cả năm 2023, đơn vị này ước tính doanh thu của Viglacera đạt 13.100 tỷ đồng, giảm 10% và lợi nhuận trước thuế 1.593 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và hoàn thành 132% kế hoạch của công ty đặt ra.
Quý IV/2023, dự báo tổng doanh thu của Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) là 1.800 tỷ đồng và lãi trước thuế 430 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 44% so với cùng kỳ năm 2022 do mức nền thấp được thiết lập trong quý IV/2022.
Diện tích cho thuê đất khu công nghiệp dự báo đạt 26 ha, tương đương 223 tỷ đồng doanh thu, tăng 55% so với cùng kỳ từ một số khách thuê lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 của IDC từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ - hoàn thành 73% kế hoạch của công ty cho năm 2023, do trì hoãn việc bàn giao đầt cho Aeon Vietnam sang năm 2024 và các hợp đồng thuê đất khu công nghiệp như Hyosung có thể được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024.