Bất động sản

Sớm xử lý những lỗ hổng trong đấu giá quyền sử dụng đất

Tại hội thảo "Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn pháp lý và giải pháp", do báo Pháp Luật TP. HCM phối hợp cùng Viện Kinh tế Xanh và Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM tổ chức. TS Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều này dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn các vấn đề về khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh. 

“Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều kiến nghị trong đó có nội dung Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, xây dựng Quy chế cuộc đấu giá, giám sát quá trình bán hồ sơ, thẩm tra, đánh giá các điều kiện, năng lực của người tham gia đấu giá, việc thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá tài sản... bảo đảm tính công khai, khách quan, minh bạch theo đúng quy định”, TS Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Sớm xử lý những lỗ hổng trong đấu giá quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

thu thiemTừ thực tiễn vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, ông Ngụy Cao Thắng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM cho biết, sau đấu giá, doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố cũng mong muốn dự án được triển khai ngay. Ở cuộc đấu giá Thủ Thiêm, có giá trúng đấu giá cao, TP. HCM cũng tạo mọi điều kiện nhưng đã có trường hợp đáng tiếc về hai doanh nghiệp hủy hợp đồng trúng đấu giá, bỏ cọc.

Hiện đấu giá quyền sử dụng đất thì cung không đủ cầu. Doanh nghiệp quan tâm rất nhiều đến hoạt động đấu giá vì có quỹ đất sạch, không phải mất thời gian, chi phí làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng.

Chính vì vậy, ông Thắng kiến nghị nhà đầu tư phải có năng lực tài chính mới có thể tham gia đấu giá. Khi doanh nghiệp không đủ tài chính lại bỏ cọc, xin gia hạn sẽ làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai.

TS Đoàn Ngọc Phương - Giám đốc Trung tâm định giá đất và kiểm định địa chính Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), cho biết hiện Bộ đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai. Đấu giá QSDĐ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Quy định đấu giá đã có, song vẫn có kẽ hở, có những quy định chưa chặt, chưa có biện pháp chế tài mạnh. Không chỉ tại TP. HCM mà ở các địa phương tình trạng cá nhân, tổ chức bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng nhiều. Vì vậy, trong đề án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ theo hướng có nhiều biện pháp chế tài tăng nặng hơn.

“Quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng rất hạn hẹp. Việc đưa đưa đất vào sử dụng phải theo kế hoạch sử dụng đất của địa phương theo quy định của Luật Đất đai. Vấn đề sử dụng đất sau đấu giá cũng cần được lưu ý. Người trúng đấu giá đất được cấp QSDĐ và có quyền chuyển nhượng QSDĐ ngay. Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét sử dụng công cụ tài chính về thuế, đánh thuế cao nếu chuyển nhượng trong thời gian ngắn”, TS Phương nêu quan điểm.

TS Vũ Tiến Lộc có góc nhìn khác, đấu giá nói chung và đấu giá QSDĐ thì mục tiêu cuối cùng không phải là thu càng nhiều tiền càng tốt mà vấn đề là phát triển thế nào để có cơ chế chính sách được lợi cả hai bên: Nhà nước và nhà đầu tư.

Theo ông Lộc, đất đai là tài sản công đặc biệt nên cần có quy định riêng về đấu giá. Vì vậy, giải pháp vẫn là cần tăng cường cơ chế kiểm tra năng lực đối tác và giúp nhà đầu tư thành công trong các cuộc đấu giá.

Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh thị trường đất đai hiện không bình thường, cần được hạ nhiệt, đưa giá bất động sản về đúng giá trị của nó.

"Giá bất động sản cao như hiện nay sẽ giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi thu nhập người dân chưa tương xứng", ông Lộc nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm