“Ba đầu sáu tay” cũng khó xong việc?
Tesla đang ở trong một thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt. Công ty không có giám đốc vận hành (COO).
Trước khi đòi mua Twitter, tỷ phú Elon Musk đã và đang làm việc kiểu “ba đầu sáu tay” để đảm đương vai trò lãnh đạo tại công ty hàng không vũ trụ SpaceX, công ty dịch vụ cơ sở hạ tầng The Boring Company và công nghệ thần kinh Neuralink.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các cổ đông Tesla đánh giá rằng vị CEO lắm tài nhiều tật này có quá nhiều sự xao nhãng khỏi công việc chính.
Cổ phiếu Tesla đã mất gần 4% trong phiên 14/4 sau khi Elon Musk tiết lộ rằng ông đã chào mua Twitter với giá hơn 41 tỷ USD. Giá đã phục hồi trong hai phiên đầu tuần nhưng vẫn giảm gần 3% so với đầu năm.
Cổ đông Tesla có thể thấy được an ủi khi biết rằng các đối thủ của công ty còn thiệt hại nhiều hơn. Giá cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô truyền thống GM, Ford và Stellantis (chủ sở hữu Chrysler) đều đã lao dốc hơn 22% trong năm nay.
Tesla chưa trả lời câu hỏi của CNN rằng liệu việc Elon Musk theo đuổi Twitter có lấy mất sự tập trung của ông vào Tesla không. Nhưng điều đáng ghi nhận là cho đến nay Tesla vẫn phát triển bất chấp các ồn ào xoay quanh CEO.
Tesla được kỳ vọng là sẽ báo cáo EPS tăng gần 145% so với một năm trước khi công bố báo cáo tài chính quý I. Giới phân tích dự đoán doanh số nhảy vọt hơn 70% nhờ nhu cầu mạnh mẽ của thế giới dành cho các mẫu xe Model S, X, 3 và Y.
Cạnh tranh gia tăng
Tuy nhiên, gần như mọi nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ đều đang quyết chí hạ bệ Tesla, các công ty hàng đầu ở châu Âu và châu Á cũng vậy. Ông David Trainer, CEO công ty nghiên cứu đầu tư New Constructs nhận xét rằng đề nghị mua Twitter của Elon Musk chỉ “đơn thuần là một điều gây xao nhãng khỏi rất nhiều thách thức mà Tesla đang đối mặt”.
Ông nói thêm: “Elon Musk nên tập trung vào Tesla và không phí thời giờ với nỗ lực thâu tóm và quản lý Twitter. Tesla đang đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể trong ngành xe điện. Các nhà sản xuất lớn đang bắt kịp và chế tạo những chiếc xe điện sáng tạo”.
Tesla cũng đương đầu với mối đe dọa ngày càng lớn từ những đối thủ mới hơn như Rivian và Licid ở Mỹ, và Nio, Xpeng và Li Auto ở Trung Quốc. Với sự cạnh tranh trên toàn cầu gia tăng, việc các chuyên gia nghĩ rằng Elon Musk cần ưu tiên cho Tesla thay vì động vào Twitter là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Elon Musk tuyên bố sẽ biến Twitter thành nền tảng hỗ trợ tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn. Nếu kịch bản này thành sự thật thì một số công ty lớn có thể sẽ ngần ngại đặt quảng cáo trên Twitter.
Ông Ali Mogharabi, nhà phân tích của Morningstar viết trong báo cáo: “Cho đến nay, những điều Elon Musk nói muốn thay đổi ở Twitter chủ yếu liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung. Do đó, một số thương hiệu lớn có thể ngại đặt quảng cáo sản phẩm của họ bên cạnh những nội dung đáng ngờ hơn trước”.
Điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến Tesla? Có khả năng phản ứng dữ dội của công chúng về hành vi của Elon Musk trên Twitter sẽ khiến một bộ phận khách hàng suy nghĩ lại về việc mua một chiếc Tesla trong tương lai.
Nhưng có lẽ rủi ro lớn nhất với Tesla là công ty khó có thể chịu đựng thêm bất kỳ vấn đề nào khiến Elon Musk không thể tập trung vào Tesla. SpaceX còn có Chủ tịch lâu năm và COO Gwyne Shotwell quản lý hoạt động hàng ngày. Nhưng Tesla không có nhà lãnh đạo quyền lực số hai để chia sẻ gánh nặng của Elon Musk.
Vài giám đốc cấp cao nhất đã rời khỏi Tesla trong những năm gần đây. Đội ngũ quản lý của Tesla hiện giờ ít một cách đáng báo động. Ngoài Elon Musk, chỉ còn hai giám đốc cấp cao khác được ghi danh trên trang web quan hệ nhà đầu tư của công ty là Phó Chủ tịch cấp cao Andrew "Drew" Baglino, người giám sát bộ phận kỹ thuật và "Master of Coin" (hay còn gọi là giám đốc tài chính) Zachary Kirkhorn.
Vậy nên nếu Elon Musk nghiêm túc về việc thêm Twitter vào đế chế khổng lồ của mình, có lẽ Tesla nên làm rõ với Phố Wall rằng ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính ở công ty mạng xã hội đó. Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Điều này có nghĩa là nếu Elon Musk thấy cần phải chú ý nhiều hơn đến việc cải tổ Twitter, ông sẽ dành ít tâm sức hơn cho việc sản xuất xe điện.