Điều động gần 300.000 lượt cán bộ
Chiều 10/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, lần đầu tiên trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn quân đội và công an tham gia phòng, chống dịch nhất là tại tuyến đầu.
Theo bà Lan, riêng trong đợt dịch thứ 4 đã huy động, điều động gần 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Trong đó, ngành y tế đã huy động gần 20.000 cán bộ, lực lượng quân đội huy động hơn 133.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, trong đó có hơn 9.000 cán bộ nhân viên y tế, lực lượng công an huy động hơn 126.000 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, tham gia phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương…
"Các biện pháp trên đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tốc độ gia tăng của đợt dịch thứ 4, tiến tới kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc, đưa xã hội về tình trạng bình thường mới”, bà Lan cho hay.
Bộ Y tế đã cấp 164 sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách, gồm 9 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu. Giá sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được kiểm soát theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, trong đó quy định các công ty thực hiện kê khai giá trang thiết bị y tế từ ngày 1/4/2022, đồng thời đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để các doanh nghiệp chủ động công bố khả năng cung ứng và giá test xét nghiệm SARS-CoV-2.
Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023. Trong đó, cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30. Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.
“Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới”, bà Lan cho hay.
Đồng thời với đó là kiến nghị tiếp tục cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Qua đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.
Đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá, việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả; công tác huy động nguồn lực và ngoại giao vắc xin đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc bảo đảm vắc xin, thuốc vật tư y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị COVID-19 còn một số bất cập.
“Việc quản lý thuốc điều trị COVID-19 có lúc còn chưa chặt chẽ, một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tại các địa phương và cơ sở y tế, có tình trạng vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư, chưa được sử dụng nhưng chưa có phương án xử lý để tránh lãng phí”, bà Nguyễn Thuý Anh cho hay.
Về các kiến nghị, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện một cách đầy đủ để đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các chính sách, biện pháp nêu Nghị quyết 30 cần được tiếp tục duy trì sau ngày 31/12/2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận báo cáo đồng thời đề nghị đánh giá sâu sắc hơn bối cảnh ban hành Nghị quyết, để thấy được tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm từ xa, sự đồng hành với Chính phủ trong phòng chống dịch.
Ủy ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, vừa phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Một số vụ việc đã được phát hiện, khởi tố, mang tính răn đe, phòng ngừa lớn.
Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan, ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.