Phát triển đô thị thông minh hướng là xu thể tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng trưởng xanh.
Song để phát triển đô thị thông minh đồng bộ với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương thì cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình đô thị này.
Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm "Đô thị thông minh – Từ chính sách đến thực thi" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 15/4 tại Hà Nội.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950). Hiện cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Theo ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, người dân nghe nhiều và thế giới cũng nói nhiều tới đô thị thông minh nhưng đây vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam. Vậy nên việc tiếp cận đô thị thông minh tại Việt Nam còn nhiều thách thức, dù đã có chủ trương, định hướng như Đề án 950.
Ông Lê Hoàng Trung cho rằng, thách thức chính hiện nay nằm ở khung pháp lý, thể chế khi chưa có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc như thế nào...
Bên cạnh đó là vấn đề về dữ liệu xây dựng đô thị thông minh khi dữ liệu thường thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định.
Đại diện Bộ Xây dựng chỉ ra thực tế: "Nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu".
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trước hết phải hiểu đúng về đô thị thông minh thì mới có giải pháp, cách thức tiếp cận đúng. Đô thị thông minh không đơn thuần là đô thị áp dụng công nghệ, dựa trên nền tảng công nghệ.
Bản chất của đô thị thông minh là phải có giải pháp quản trị thông minh để phục vụ người dân được tốt hơn, phải xác định được mục tiêu, cả về mặt tư duy.
Đơn cử, về mặt nguồn lực đầu tư, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) cho phát triển đô thị thông minh chưa hẳn là "thông minh".
Trong khi Nhà nước đang xã hội hóa các dịch vụ công thì vấn đề nào thể chế, vận hành thì Nhà nước làm, vấn đề nào về thực hiện, xây dựng mà cộng đồng, khu vực tư nhân có thể tham gia thì nên trao quyền. Khi có giải pháp thì mọi nguồn lực sẽ được tận dụng tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, để tiến tới một đô thị thông minh cần có ba trụ cột. Đầu tiên là thể chế, hai là hạ tầng công nghệ thông tin và thứ ba là con người.
Đô thị thông minh cần nhìn ở hai cái góc độ. Ở góc độ quản trị xã hội, là công cụ công nghệ thông tin để vận hành chính quyền đô thị. Về phía góc độ xã hội dân sinh, thì chính công cụ thông minh sẽ tạo ra một đô thị thông minh; trong đó, có những công dân thông minh.
Tại thành phố Hà Nội, quá trình phát triển đô thị thông minh gắn bó chặt chẽ với chuyển đổi số. Hiện nay, Hà Nội có phần mềm tích hợp các dịch vụ của thành phố, từ đó định hướng quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng… trong thời gian tới.
Theo các đại biểu, thực tiễn thế giới cho thấy không có đô thị nào thông minh toàn diện, chỉ có đô thị thông minh từng phần. Theo đó, từng địa phương chọn mô hình phát triển đô thị phù hợp, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Một số địa phương đã làm tốt việc triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế-xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng như Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Thủ Dầu Một chọn quản lý đô thị bằng GIS…
Tới đây, với việc hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, việc phát triển đô thị thông minh sẽ giúp các đô thị tại Việt Nam nhận định được vấn đề cần ưu tiên, từ đó giải quyết hiệu quả các vấn đề về phát triển đô thị hiện hữu như tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, vấn đề ùn tắc giao thông, hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.