Mới đây, tạp chí Forbes công bố danh sách Global 2000 năm 2022 xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.
Forbes sử dụng số liệu tài chính của 12 tháng gần nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu. Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 là Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.854). Có thể thấy nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 4/5 đại diện Việt trong bảng xếp hạng này.
Nếu đặt lên bàn cân lên so sánh về con số tuyệt đối thì 3 ngân hàng quốc doanh sẽ vượt trội so với ngân hàng tư nhân về quy mô. Tuy nhiên nếu xem xét về tốc độ tăng trưởng các con số trong báo cáo kết quả kinh doanh chúng ta sẽ có góc nhìn thú vị hơn về khả năng kiếm tiền giữa 4 nhà băng này.
Thu nhập lãi thuần
Thu nhập lãi thuần được tính bằng cách thu nhập lãi và các khoản tương tự sau khi trừ đi chi phí lãi và các khoản tương tự. Chỉ số này cho biết về khả năng tăng trưởng hoạt động động cốt lõi của ngân hàng là tín dụng. Xét trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2021, Vietcombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần ổn định nhất và đạt mức trung vị 18%.
Ngân hàng có biến động tăng trưởng thu nhập lãi thuần lớn nhất là Techcombank. Năm 2007 và 2009 nhà băng này tăng trưởng thu nhập lãi thuần đến 102% và 90%. Sở dĩ con số này cao đột biến bởi quy mô thu nhập lãi thuần của Techcombank những năm này mới chỉ cỡ 400 tỷ đồng và tăng lên mốc 1.760 tỷ đồng vào năm 2008. Trong khi đó cùng thời điểm 3 ngân hàng quốc doanh còn lại đã có mức thu nhập lãi ròng cỡ 3.400-3.800 tỷ đồng.
Xét về trung vị của tăng trưởng thu nhập lãi thuần, Techcombank đứng đầu. 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank có tỷ lệ khá tương đồng.
Trung vị là số nằm giữa trong một tập dữ liệu có các số được sắp xếp. Để xác định giá trị trung vị trong một chuỗi số, trước tiên các số phải được sắp xếp theo thứ tự giá trị từ thấp nhất đến cao nhất hoặc cao nhất đến thấp nhất.
Trung vị được sử dụng thay cho giá trị trung bình khi có các điểm ngoại lai trong chuỗi dữ liệu, các điểm ngoại lai có thể làm lệch giá trị trung bình của các giá trị. Trung vị của một chuỗi ít bị ảnh hưởng bởi các điểm ngoại lai hơn giá trị trung bình.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tăng từ mức bình quân 8,6% năm 2018 lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2020. Kết thúc quý I/2019, báo cáo của nhiều ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng tăng thu dịch vụ khả quan.
Điều này cho thấy ngày nay phần lớn các ngân hàng hiện nay đều đã có những kế hoạch nhằm đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ, giảm gánh nặng thu tín dụng, tạo tỷ lệ hợp lý giữa tín dụng và phi tín dụng. Tăng thu từ dịch vụ là xu hướng đúng đắn trong bối cảnh các ngân hàng đang phải nỗ lực đáp ứng chuẩn Basel II.
Trong 4 ngân hàng được Forbes nêu tên, Techcombank là nhà băng vượt trội nhất về tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ. Trung vị giai đoạn 2007-2021 đạt mức 39% trong khi 3 nhà băng quốc doanh còn lại khá tương đồng ở mức 21-22% tăng trưởng.
Từ rất sớm, Techcombank cùng nhà tư vấn chiến lược McKinsey xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2010-2015, sau đó là giai đoạn 2015-2020. Chiến lược này đặc biệt chú trọng tới đặc biệt là ở lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng số. Điều này đầu tiên giúp Techcombank tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Không những vậy, công nghệ vượt trội kết hợp cùng chiến lược miễn thu phí dịch vụ còn giúp nhà băng này tăng được lượng tiền gửi CASA. Từ đây gia tăng các khoản thu từ dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm,...
Thu nhập hoạt động
Nhờ việc tăng trưởng mạnh về hoạt động kinh doanh chính là tín dụng và dịch vụ, Techcombank là nhà băng có tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động tốt nhất trong 4 ngân hàng được nêu tên. BIDV trung vị về tăng trưởng thu nhập hoạt động đạt tầm 15% so với Vietcombank, VietinBank là 17%, Techcombank là 29%.
Lợi nhuận thuần
Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, lợi nhuận thuần thước đo lợi nhuận sau khi hạch toán tất cả các chi phí và thuế. Đây là lợi nhuận thực tế, và bao gồm các chi phí hoạt động được loại trừ khỏi lợi nhuận gộp. Tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận thuần của 4 ngân hàng này rất ấn tượng ở mức từ 13-43%. Một điều bất ngờ là trung vị tăng trưởng lợi nhuận thuần của Vietcombank ở mức thấp nhất khoảng 13% trong khi đó Techcombank đạt mức 43%.
Sở dĩ có điều này bởi chiến lược kinh doanh, chiến lược trích lập dự phòng và quản lý chất lượng tài sản khác nhau. Trong ngành ngân hàng, Vietcombank được đánh giá là ngân hàng hàng đầu trong hệ thống với chất lượng tài sản, cũng như thận trọng trong trích lập dự phòng. Giai đoạn từ 2007-2021, trung vị tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng của Vietcombank ở mức 18%, tương đương với mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần. Trong khi đó VietinBank và Techcombank có tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng ít hơn, chỉ tương đương 7% và 1% so với mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần tương ứng là 14% và 29%.
Tất nhiên để có góc nhìn trọn vẹn khi so sánh giữa các ngân hàng chúng ta còn đánh giá chất lượng tài sản cũng như mối tương quan giữa hoạt động kinh doanh và tài sản. Nhưng những xem xét sơ bộ về tốc độ tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh nói trên cũng phần nào cho thấy được mức độ ổn định hay thay đổi bứt phá của các ngân hàng.