Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ và Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO).
Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư – ông Trần Quốc Phương
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KHĐT – ông Trần Quốc Phương cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng của GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm.
Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022, lạm phát có thể ở mức 4-4,5%; Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, năm 2023 lạm phát có thể vượt qua ngưỡng 5%.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia
Đề cập đến vai trò của kinh tế số, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho hay, kinh tế internet tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia trong 2 năm qua, nhưng sẽ tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. “Kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới” – ông khẳng định.
Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này, ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga – Ukraina.
Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam – ông Francois Painchaud
Tại Diễn đàn, đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của COVID-19, đặc biệt, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như: việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…
Về bức tranh kinh tế vĩ mô, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chuyên gia này đưa ra khuyến nghị: Việt Nam nên ưu tiên chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Ông cũng kiến nghị, Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, song song với việc tăng cường giám sát tài chính.
Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo – bà Nguyễn Lệ Thủy
Phát biểu bế mạc diễn đàn, bà Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ, đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày một căng thẳng đang tạo nên những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với mong muốn kết nối nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ góc nhìn, bình luận, dự báo kịch bản kinh tế Việt Nam 2022-2023 và triển vọng tăng trưởng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã phối hợp với một số đối tác tổ chức sự kiện Diễn đàn hôm nay.
Bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết, trong Diễn đàn vừa qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã nêu những quan điểm, dự báo kinh tế, đồng thời, thảo luận về nhiều vấn đề lớn, như: nền tảng chính sách, thuận lợi, khó khăn trong thực thi các mục tiêu trung hạn trong bối cảnh kinh tế mới, cũng như nhận diện cơ hội, thách thức với các ngành kinh tế chính.
Ngoài ra, trong thời gian chuẩn bị tổ chức Diễn đàn, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cùng những câu hỏi từ các độc giả, doanh nghiệp về tương lai nền kinh tế, tương lai các ngành kinh tế tại Việt Nam.