Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch 13/5, thu hẹp đà giảm của tuần, đồng thời kéo S&P ra xa khỏi vùng giá xuống.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 466,36 điểm, tương đương 1,47%, lên 32.196,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 93,81 điểm, tương đương 2,39%, lên 4.023,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 434,04 điểm, tương đương 3,82%, lên 11.805,00 điểm.
S&P chốt phiên giao dịch 13/5 cao điểm nhất trong 10 ngày qua, trong khi chỉ số Nasdaq có phiên giao dịch tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Chốt tuần, các chỉ số chính đều giảm điểm so với tuần trước đó. Chỉ số Dow Jones giảm 2,14%, ghi nhận chuỗi giảm điểm 7 tuần liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2001. Chỉ số S&P 500 giảm 2,4% và cũng có chuỗi giảm điểm tuần dài nhất trong hơn 10 năm qua. Chỉ số Nasdaq giảm 2,8%.
Tất cả các lĩnh vực trong nhóm S&P 500 đều tăng điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, dẫn dắt bởi nhóm hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin, với biên độ tăng lần lượt đạt 4,1% và 3,4%. Đây là sự phục hồi ấn tượng với khoảng 95% mã cổ phiếu trong S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh.
Giá cổ phiếu của Nike và Salesforce tăng 4,7% và 4,1%, trụ đỡ đẩy Dow Jones lên cao. Giá cổ phiếu của American Express và Boeing tăng hơn 3%.
Cổ phiếu nhóm ngành công nghệ cũng xuất hiện dấu hiệu khả quan. Giá cổ phiếu của Meta Platforms và Alphabet tăng lần lượt 3,9% và 2,8%, giá cổ phiếu của Tesla tăng 5,7%. Các doanh nghiệp sản xuất chip máy tính Nvidia và AMD tăng hơn 9%, thoát khỏi vùng giá xuống.
Tiếp nối đà tăng trong phiên giao dịch trước đó, giá các cổ phiếu meme AMC Entertainment và GameStop tăng lần lượt 5,5% và 9,9%.
Giá cổ phiếu của Twitter bất ngờ giảm hơn 9% sau khi thông tin tỷ phủ Elon Musk tạm hoãn quá trình mua lại công ty này. Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trong xu hướng giảm điểm một vài tháng gần đây. Làn sóng bán tháo lan từ một số doanh nghiệp công nghệ không sinh lời cuối năm 2021 tới những công ty có dòng tiền tích cực trong vài tuần trở lại đây. Giai đoạn giảm điểm này gần như “xóa sổ” toàn bộ thành quả tăng điểm của thị trường trong giai đoạn đại dịch sau tháng 3/2020.
Hiện tại, chỉ số S&P 500 và Dow Jones vẫn chưa rơi vào vùng giá xuống, nhưng phiên tăng điểm ngày 13/5 không đồng nghĩa với việc các thị trường đã thoát khỏi nguy hiểm, theo Ryan Detrick tới từ LPL Financial.
Một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán gặp đó trong vài tháng gần đây là lạm phát và những nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhằm kiểm soát tình trạng này. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày 12/5 phát biểu rằng ông không thể đảm bảo nền kinh tế sẽ “hạ cánh mềm”, hay nói cách khác là kéo giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Dù thị trường chứng khoán diễn biến tịch cực trong 2 tuần ngay sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong tháng 3, thành quả đó nhanh chóng biến mất trong tháng 4 và đà bán tháo tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5, sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ 2.
Theo CNBC