Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, toà nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú không phải công trình kiến trúc cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá".
Khu đất số 61 phố Trần Phú hiện do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện là chủ đầu tư quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738 ngày 16/4/2010 của UBND TP.
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078m2 trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".
Hiện trạng nhà máy được xây dựng từ thời Pháp tại địa chỉ 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội đang bị phá dỡ.
Trong đó, lô G1 thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%. Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.
Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TP Hà Nội gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, sở này đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP; đồng thời đề nghị chính quyền sở tại tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan.
Để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, Sở này đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng (gồm: Tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp), kèm theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm; tổng diện tích sàn khoảng 32.306m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023m2; chiều cao công trình là 42,9m.
Mô hình tòa nhà dự kiến xây dựng tại số 61 Trần Phú.
Đến nay, dự án đầu đã được các cơ quan liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có ý kiến thẩm định thiết kế kỹ thuật phần ngầm và cấp giấy phép xây dựng phần ngầm công trình.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Về vấn đề pháp lý thì để một công trình từ chủ trương ra đến hiện trạng thì có nhiều bước, từ chủ trương, quy hoạch, giấy phép… gói ở trong chức năng nhiệm vụ của nhiều sở ngành. Tất cả ngành đều căn cứ quy định của luật, của nhà nước, thành phố.
Phó Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thông tin thêm: “Lúc đầu thì chủ đầu tư đề xuất chiều cao cao hơn, nhưng chúng tôi yêu cầu giảm chiều cao xuống không cao hơn toà nhà văn phòng Quốc hội. Để đảm bảo về kiến trúc cảnh quan, chúng tôi đã lấy ý kiến hội đồng kiến trúc cảnh quan của TP”.