Chúng ta có thể hiểu đơn giản như thế này: flagship store là cửa hàng được đầu tư nhiều tiền nhất, ở vị trí đẹp nhất và có sản phẩm chất lượng cao - trải nghiệm khách hàng xịn nhất của mỗi thương hiệu. Mỗi thương hiệu gọi hệ thống flagship store của mình với một tên khác nhau: The Coffee House là Signature, Starbucks là Reserve, Trung Nguyên Legend là Thế Giới Cà Phê, còn Highlands thì chưa đặt tên.
Tại TP.HCM, khu chung quanh Nhà thờ Đức Bà chính là thủ phủ flagship store của các chuỗi cà phê với Highlands, Trung Nguyên Legend, Runam, %Arabica… Địa điểm của Starbucks Reserve trước đây chính ở khu vực này. Cửa hàng Signature đầu tiên của The Coffee House (TCH) gần Hồ Con Rùa, còn bây giờ đã chuyển sang quận 7 - ở mặt tiền TTTM Crescent Mall.
Nếu so về mặt diện tích, thì Trung Nguyên Legend Nguyễn Văn Chiêm rộng nhất, sau đó đến Highlands Bưu Điện, Starbucks Reserve và cuối cùng là Signature by The Coffee House.
Về mức giá, nếu chỉ tính riêng dòng thức uống cà phê thì giá của cả 4 khá tương đồng, ví dụ một ly cà phê thủ công có chọn hạt cà phê giá khoảng 60.000 – 80.0000. Các sản phẩm trong flagship store của TCH cùng Starbucks hay Highlands nghiêng về ẩm thực phương Tây, còn Trung Nguyên Legend ưa chuộng đồ Việt Nam.
Thức uống và đồ ăn ở Signature by TCH hoàn toàn khác các cửa hàng bình thường của chuỗi, cao cấp hơn nên tất nhiên sẽ mắc hơn. Sản phẩm của Trung Nguyên Legend Nguyễn Văn Chiêm tương đối giống các cửa hàng bình thường khác, nên mức giá vẫn khá tương đồng. Highlands Bưu Điện và Starbucks Reserve có cả sản phẩm phổ thông của chuỗi và sản phẩm cao cấp chỉ có riêng ở flagship store.
Flagship store của TCH và Highlands có hệ thống rang xay cà phê ngay trong cửa hàng, còn Starbucks và Trung Nguyên Legend thì không có. Cửa hàng flagship của tất cả đều có không gian mở, nên khách hàng có thể thấy được barista pha chế, trừ Trung Nguyên Legend. Cơ bản, hệ thống cửa hàng đại diện của Trung Nguyên Legend giữ được nhiều ‘tính Việt’ nhất.
Starbucks Reserve Bitexco
Việc Starbucks Việt Nam chia tay với mặt bằng Hàn Thuyên sau nhiều năm gắn bó đầu năm 2025 đã làm xôn xao cả giới cà phê lẫn bất động sản bán lẻ. Bitexco, lựa chọn thay thế của Starbucks Việt Nam khiến giới cà phê ngạc nhiên nhưng giới bất động sản bán lẻ không ngạc nhiên lắm.
Với flagship store, thường các chuỗi cà phê không chuộng các mặt bằng ở trung tâm thương mại (TTTM) hoặc trung tâm bán lẻ hiện đại, bởi chỉ việc phải đi gửi xe ở tầng hầm hoặc dùng nhà vệ sinh chung đã khiến trải nghiệm khách hàng không tốt như ở mặt bằng ngoài phố. Hơn nữa, rất khó để tìm được mặt bằng đẹp phủ vài tầng ở các TTTM phù hợp thiết kế một quán cà phê sang chảnh.
Còn với giới bất động sản bán lẻ, họ biết khả năng là mức giá so với diện tích/vị thế của mặt bằng mới Bitexco sẽ tốt hơn mặt bằng cũ Hàn Thuyên. Trước đây, tầng trệt của mặt bằng này được Adidas thuê và sau khi thương hiệu này trả mặt bằng vào 12/204, thì việc tìm người thuê mới khá chậm chạp. Khối đế Bitexco không phải là mặt bằng quá đắt khách.
Cửa hàng mới của Starbucks khai trương vào giữa tháng 4/2025, bao gồm 2 tầng với diện tích mặt bằng rộng 256m2. Giá thuê thị trường của mặt bằng khối đế Bitexco vào khoảng 150 USD mỗi m2, chưa kể chiết khấu cho khách thuê dài hạn và thương hiệu lớn.
Do mặt bằng ở đây thắt lại ở giữa và phình to ở hai bên, nên khá khó để Starbucks Việt Nam có thể thiết kế một không gian gì đó quá đổi mới – sáng tạo. Bởi không gian ở đây mạnh ở chiều dài thay vì chiều rộng, nên Starbucks phải chia quầy bar của mình ra làm 3 phần chứ không thể tích hợp làm một như ở mặt bằng cũ.
Nếu từ bên ngoài vào, rẽ trái sẽ là quầy bar chuyên pha cocktails gọi là Mixology có bartender biểu diễn. Đây là điểm mới của Reserve Bitexco so với Reserve Hàn Thuyên. Các món cà phê có cồn ở đây có mức giá dao động đến trên 200.000 đồng mỗi món. Rẽ phải sẽ là quầy bar chuyên các món nước và bánh như ở các cửa hàng Starbucks bình thường. Trên tầng 2 là quầy bar chuyên pha chế Cà phê đặc sản.

Starbucks Reserve ở Bitexco rất dài và khá hẹp. (Ảnh: Quỳnh Như)

Chỗ ngồi bên ngoài Starbucks Reserve.(Ảnh: Quỳnh Như)

Một nửa bên trái của Starbucks Reserve nhìn từ bên ngoài vào. (Ảnh: Starbucks Việt Nam)

Quầy bar Mixology ở không gian bên trái. (Ảnh: Starbucks Việt Nam)

Một góc không gian bên phải của quán. (Ảnh: Quỳnh Như)

Tầm nhìn từ bên trong cửa hàng. (Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy bar chính bên phải chuyên thực hiện các món ăn và thức uống bình thường. (Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy bán vật phẩm và cà phê.(Ảnh: Quỳnh Như)

Phía ngoài cửa hàng có một chiếc hồ nhỏ.(Ảnh: Quỳnh Như)

Cửa hàng cũng bán hạt cà phê nhập khẩu đến từ khắp nơi trên thế giới.(Ảnh: Quỳnh Như)

Cửa hàng thắt lại ở giữa và chia không gian ở tầng trệt ra 2 phần tách biệt.(Ảnh: Quỳnh Như)

Tầng hai của cửa hàng có những đoạn có chiều ngang khá hẹp.(Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy pha chế Cà phê đặc sản ở tầng hai (Ảnh: Quỳnh Như)
Highlands Bưu Điện
Flagship store duy nhất của chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam – Highlands khai trương vào cuối năm 2023. Mặt bằng hai tầng này có diện tích gần 700 m2 nằm trong khuôn viên Bưu điện TP.HCM và ngay bên cạnh đường sách Nguyễn Văn Bình. Trước đây, mặt bằng này đã được McDonald's thuê lại trong nhiều năm và rời đi vào 2021.
Để xứng đáng với vị thế của một flagship store, Highlands đã đầu tư khá nhiều vào cửa hàng này. Cửa hàng chia làm 3 khu vực với phong cách thiết kế khác nhau.
Khu vực đầu tiên: sau khi đẩy cửa vào, sẽ là nơi Highlands chủ yếu trưng bày các vật phẩm mang thương hiệu Highlands và thương hiệu Việt Nam khác, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách. Bên cạnh đó, khu vực này còn có hệ thống rang xay để phục vụ cho bộ phận R&D của thương hiệu và cho khách trong cũng như ngoài nước mua cà phê hạt của Highlands.
Khu vực thứ hai: bao gồm quầy bar và quầy bánh lớn phục vụ việc gọi món cho toàn bộ du khách trong quán. Khu vực thứ ba phía trên lầu khá hẹp và trần thấp, có một quầy bar nhỏ để trang trí.

Mặt tiền Highlands Bưu Điện bị che lấp một phần bởi các cửa hàng sách.(Ảnh: Quỳnh Như)

Mặt tiền phía đường sách Nguyễn Văn Bình.(Ảnh: Quỳnh Như)

Mở cửa chính vào chúng ta sẽ thấy ngay không gian này.(Ảnh: Quỳnh Như)

Đây là khu vực trưng bày rất nhiều vật phẩm được sản xuất bởi Highlands và các thương hiệu Việt Nam khác.(Ảnh: Quỳnh Như)

Một bộ sưu tập ly - phin pha cà phê của Highlands.(Ảnh: Quỳnh Như)

Các bộ sưu tập bình giữ nhiệt của Highlands.(Ảnh: Quỳnh Như)

Ngoài bán Cà phê đặc sản Việt Nam, cửa hàng còn bán các loại cà phê đặc sản nhập từ nhiều nước khác.(Ảnh: Quỳnh Như)

Hệ thống rang xay trong cửa hàng.(Ảnh: Quỳnh Như)

Khu vực thứ hai với phong cách thiết kế không giống khu vực đầu tiên.(Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy bar trung tâm ở khu vực thứ hai.(Ảnh: Quỳnh Như)

Đây là nơi tiếp nhận tất cả những yêu cầu đặt món của khách.(Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy bánh ở khu vực thứ hai cũng rất phong phú và đa dạng.(Ảnh: Quỳnh Như)

Tầng hai với không gian nhỏ hơn và trần khá thấp.(Ảnh: Quỳnh Như)

Phong cách thiết kế ở tầng hai cũng hoàn toàn khác với tầng trệt.(Ảnh: Quỳnh Như)

Quầy bar ở tầng hai.(Ảnh: Quỳnh Như)

Trên tầng hai cũng có một quầy trưng bày các bộ sưu tập ly của Highlands.(Ảnh: Quỳnh Như)
Signature by The Coffee House
Ra đời vào tháng 1/2023 với diện tích 305m2, Signature by TCH ở Crescent Mall – quận 7 như là ‘người thừa kế’ của Signature by TCH ở Phạm Ngọc Thạch – quận 1, đã đóng cửa vào cuối 2021.
Trong buổi ra mắt cửa hàng flagship đầu tiên này, TCH tiết lộ về việc sắp mở thêm 1 đến 2 cơ sở Signature trong năm 2023, nhưng sau đó có thể vì thị trường quá khó khăn, họ đã từ bỏ kế hoạch này. Việc TCH chọn quận 7 xa xôi để mở cửa hàng flagship thay vì trung tâm quận 1 đắt đỏ đã nói lên rằng: họ không có nhiều tiền để phung phí vào chuyện làm thương hiệu, tiết kiệm vẫn là ‘quốc sách’.
Dù nhỏ, nhưng thiết kế bên trong cửa hàng của Signature by TCH có khá nhiều điểm thú vị, thể hiện phần nào tâm huyết với ngành cà phê của Chủ tịch Seedcom Đinh Anh Huân và bộ sậu lãnh đạo chuỗi khi đó. Đặc biệt là hệ thống rang xay bao quanh trần và tường của cửa hàng.
Hệ thống này phục vụ nhu cầu rang xay mẻ nhỏ các loại cà phê cao cấp – đặc sản tại chỗ của cửa hàng. Mỗi khi hệ thống vận hành, khách ngồi trong quán sẽ nghe các âm lách cách vui tai khi các hạt cà phê va chạm với hệ thống ống đồng cũng như ngửi được mùi cà phê đậm đặc lan tỏa khắp quán.

Signature by TCH ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - quận 7 (Ảnh: TCH)

Một góc bên trong cửa hàng(Ảnh: TCH)

Toàn cảnh quầy bar và hệ thống rang xay(Ảnh: TCH)

Cận cảnh quầy bar(Ảnh: TCH)

Khu vực đối diện quầy bar(Ảnh: TCH)

Một góc hệ thống rang xay (Ảnh: TCH)

Hệ thống ống đồng sẽ tạo ra âm thanh vui tai khi hạt cà phê bắt đầu được rang xay trong quán.(Ảnh: TCH)
Trung Nguyên Legend Nguyễn Văn Chiêm
Trung Nguyên Legend chưa từng nói rằng cửa hàng ở Nguyễn Văn Chiêm là flagship store, nhưng nếu nhìn vào địa điểm tọa lạc, diện tích cũng như mức độ đầu tư, thì nó có đủ đặc điểm của một flagship store điển hình.
Cửa hàng này khai trương vào năm 2014 với diện tích 1.000m2, cùng thiết kế đậm chất châu Á với kiến trúc mộc mạc bằng tre nứa gỗ hòa quyện với nhiều cây xanh và dòng suối thơ mộng ở chính giữa.

Trung Nguyên Legend Nguyễn Văn Chiêm

Flagship store này được thiết kế theo phong cách khá mộc mạc với vật liệu chủ yếu là tre nứa và gỗ. (Ảnh: Trung Nguyên)

Trung Nguyên thỉnh thoảng sẽ tổ chức các sự kiện về cà phê ở cửa hàng này.(Ảnh:Trung Nguyên)

Một không gian trưng bày các sản phẩm cà phê - sách - ly tách mang thương hiệu Trung Nguyên.(Ảnh: Trung Nguyên)

Các thức ăn và nước uống trong cửa hàng này thường đậm phong vị Việt.(Ảnh: Trung Nguyên)

Một góc cửa hàng được trưng bày rất nhiều sách.(Ảnh: Trung Nguyên)

Giữa mặt bằng này có một dòng suối nhỏ nhân tạo chảy xuyên qua.(Ảnh: Trung Nguyên)

Đây cũng là nơi có khóa Thiền Cà Phê vào mỗi buổi sáng thứ bảy.(Ảnh: Trung Nguyên)

Lối vào phòng Thiền Cà Phê(Ảnh: Trung Nguyên)

Không gian phòng thiền được thiết kế trang nhã.(Ảnh: Trung Nguyên)

Bộ dụng cụ thiền của mỗi khách hàng.(Ảnh: Trung Nguyên)

(Ảnh: Trung Nguyên)