Trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 so với cả nước. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt mục tiêu mà Bình Phước đặt ra trong năm 2024 là tăng trưởng GRDP 8% - 8,5% so với năm 2023.
Là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam và là tỉnh có diện tích lớn nhất Nam Bộ, vậy kinh tế Bình Phước tăng trưởng như thế nào trong 8 tháng đầu năm 2024?
IPP tăng 16,83%
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tháng 8 của tỉnh Bình Phước ước đạt 101,09% so với tháng trước và 117,12% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 1,09% so với tháng trước, tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng, IIP tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 12,07%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,24%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,32%; và công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,69%.
760 doanh nghiệp thành lập mới
Trong tháng 8, địa phương có 107 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.112,086 tỷ đồng; 36 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, 11 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 41,3 tỷ đồng, và 26 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Lũy kế 8 tháng, toàn tỉnh có 760 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 11.688,02 tỷ đồng; 262 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, 85 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 993,85 tỷ đồng, và 486 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,91%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 7.530,29 tỷ đồng, tăng 2,16% so với tháng trước và tăng 14,69% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 57.656,33 tỷ đồng, tăng 12,91% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.141,52 tỷ đồng, tăng 13,20% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 5.275,61 tỷ đồng, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 189,10 tỷ đồng, tăng 11,41% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 5.086,51 tỷ đồng, tăng 10,03% so với cùng kỳ.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 15,54 tỷ đồng, tăng 49,79% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tăng 3,76%
Về tình hình giá cả thị trường, trong tháng 8, do việc điều chỉnh giá xăng, dầu giảm trong tháng cũng tác động phần nào đến chỉ số chung (CPI) của tháng 8 giảm 0,1% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 3,08%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 22/8, giá vàng tăng 1,91% so với tháng trước; tăng 37,08% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,34%.
Tại thị trường trong nước giá bình quân đồng USD ở thị trường tự do đến ngày 22/8 ở mức 25.333 VND/USD, giảm 0,51% so với tháng trước tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,71% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư FDI 153,47 triệu USD
Trong trong tháng 8, có 6 dự án FDI cấp mới, trong đó có 4 dự án trong khu công nghiệp (KCN) và hai dự án ngoài KCN) với số vốn 56,61 triệu USD và có11 dự án điều chỉnh (10 dự án trong KCN, 1 dự án trong Cụm công nghiệp).
Lũy kế 8 tháng, có 17 dự án FDI cấp mới với tổng vốn cấp mới là 105,31 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 20 dự án với tổng vốn tăng là 48,17 triệu USD; chấm dứt 3 dự án trong KCN với số vốn 27,25 triệu USD; Giảm vốn 3 dự án với số vốn giảm 5,95 triệu USD. Tổng thu hút đầu tư FDI bao gồm cấp mới và tăng thêm 8 tháng là 153,47 triệu USD.