Nhu cầu vốn cho phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam là rất lớn trong những năm tới đây nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và định hướng giảm lệ thuộc nguồn vốn trung và dài hạn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã đạt quy mô 11% GDP vào cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán vừa được phê duyệt vào ngày 29/12/2023 vừa qua.
Để đạt được mục tiêu trên, tại Hội nghị "Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024" do FiiinRatings tổ chức ngày 12/4, các chuyên gia cho rằng cần thu hút được dòng vốn từ các nhà đầu tư lớn trên thị trường trái như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các người chơi chính trên thị trường hiện nay là các ngân hàng thương mại.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lyn Maxwell, Tổng giám đốc Thương mại Toàn cầu S&P Global Ratings nhận định, Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn đầu tư và làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kênh huy động vốn dài hạn của Việt Nam như thị trường vốn nợ với các sản phẩm trái phiếu hiện nay đang tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng khá nhỏ nếu so với các nước lân cận như Thái Lan (27%), Trung Quốc (39%). Vì vậy phần nào ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài muốn rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam.
Để thị trường vốn nợ có thể đón được dòng vốn này, bà Lynn Maxwell đề xuất một trong những giải pháp là thiết lập văn hóa xếp hạng tín dụng lành mạnh và phát triển các thể chế thị trường như các tổ chức xếp hạng tín dụng.
Theo bà Maxwell, xếp hạng tín dụng mang lại sự minh bạch cho thị trường, mang lại tính thanh khoản mạnh mẽ hơn và là nền tảng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững lâu dài của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản lý mà còn là công cụ then chốt để đánh giá và quản lý rủi ro, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
Không chỉ thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa hấp dẫn được các công ty bảo hiểm – các định chế tài chính lớn với danh mục đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.
Dữ liệu của FiinRatings cho thấy, các công ty bảo hiểm hiện chỉ chiếm 6% trong cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam, trong khi con số này tại Thái Lan lên tới 18%. FiiinRatings cũng cho biết, phần lớn tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phân bổ vào Trái phiếu chính phủ hoặc Tiền gửi tiết kiệm, với mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành bảo hiểm (đi kèm các nghĩa vụ nợ tiềm tàng trong tương lai) vẫn ở mức 15-20%/năm.
Theo FiiinRatings, trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp đa dạng hóa danh mục, đem lại lợi suất tốt hơn, đồng thời cũng có thể có kỳ hạn dài hơn, phù hợp với các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, nhận định các công ty bảo hiểm là nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi ước tính của FiinRatings cho thấy, những định chế tài chính này đang quản lý tổng tài sản hơn 913.000 tỷ đồng vào cuối 2023 nhưng chủ yếu phân bổ vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng, chỉ một tỷ lệ nhất nhỏ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp.
"Điều đó có nghĩa là, dư địa còn khá nhiều và còn tăng trưởng nữa nếu như hạ tầng của thị trường vốn nợ hoặc trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn", ông Thuân đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) cũng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu các nhà đầu tư tài chính lớn như các công ty bảo hiểm. Theo bà Hiền, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, dù sở hữu quy mô danh mục đầu tư lớn song họ bị hạn chế rất nhiều về quy định đầu tư. Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa đủ lớn để họ tăng tỷ trọng đầu tư.
"Trong quá trình phân phối trái phiếu trên thị trường, chúng tôi nhận thấy rằng, những 'deal' trái phiếu doanh nghiệp nào có đủ xếp hạng tín nhiệm thì các công ty bảo hiểm đều tham gia, ngược lại có những 'deal' trái phiếu không công ty nào có thể vào được", bà Hiền chia sẻ.
Ông Ngô Thế Triệu, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring cho biết, công ty của ông đang chủ yếu quản lý danh mục Prudential với tổng tài sản là khoảng 7 tỷ USD. Theo ông Triệu, rất nhiều công ty bảo hiểm muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh trái phiếu chính phủ có lãi suất tương đối thấp, đồng thời phải đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho người mua bảo hiểm. Do đó, về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư tốt để tăng lợi tức cho danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm.
Lãnh đạo quỹ đầu tư này cho rằng, một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn e ngại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là việc minh bạch thông tin từ phía đơn vị phát hành. Do vậy, việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để giúp mở cảnh cổng đầu tư cho các công ty bảo hiểm. Ngoài ra, ông Triệu cũng kỳ vọng các cơ quan quản lý có những biện pháp thích hợp để các công ty bảo hiểm có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Để khơi thông được thị trường vốn nợ, các chuyên gia tại hội nghị nhận định, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là không thể thiếu. Việc xếp hạng có chất lượng, cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm giúp cho các doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn nhằm khơi thông thị trường vốn nợ Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, để thúc đẩy thị trường vốn nói chung và vốn nợ nói riêng, cần phải có hai yếu tố quan trọng.
Yếu tố thứ nhất sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư đó chính là hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành. Đây là yếu tố cần.
Còn yếu tố đủ để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và tạo ra sự phát triển lành mạnh và bền vững cho thị trường vốn nợ chính là sự minh bạch.
"Nếu như hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành đi liền với sự minh bạch thì sẽ thúc đẩy được niềm tin, sự kết nối giữa các tổ chức phát hành với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường vốn nợ phát triển bền vững", ông Quỳnh nhìn nhận.
Theo Tổng Thư ký VBMA, việc xếp hạng tín nhiệm là một trong các biện pháp cần thiết và nếu nhìn vào thị trường vốn nói chung và vốn nợ nói riêng ở các nước phát triển, có thể thấy vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng, giúp tăng tính minh bạch của thị trường.
"Sự minh bạch trên thị trường sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia thị trường, không chỉ với nhà đầu tư mà còn với cả tổ chức phát hành cũng như các cơ quan quản lý nhà nước", ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký VBMA cũng nhấn mạnh, xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp duy nhất để tăng minh bạch trên thị trường. Bởi bên cạnh việc xếp hạng tín nhiệm cũng phải nâng cao các hạ tầng khác ví dụ như kiểm toán, các hệ thống báo cáo bắt buộc đối với các tổ chức phát hành, các hình thức kiểm tra và giám sát khác nhau của cơ quan quản lý để thúc đẩy tính minh bạch của thị trường, tăng niềm tin và phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.