"Tôi muốn phát triển ở nước ngoài hơn là trì độn ở trong nước", một lao động Nhật Bản đang làm ở Thụy Điển nói với tờ Nikkei Asian Review.
Người đàn ông giấu tên này cho biết anh kiếm được mức thu nhập cao gấp 1,5 lần so với nghề cũ trong nước, chưa kể một tương lai phát triển xán lạn hơn.
Tương tự tại Australia, anh Tomoki Yoshihara là một lao động Nhật Bản làm việc trong nhà máy chế biến thịt. Tại đây anh Tomoki kiếm được mức thu nhập cao gấp 3 lần so với công việc vất vả tại quê nhà Nhật Bản.
Trên thực tế, anh Tomoki chỉ là một trong số vô vàn giới trẻ Nhật Bản xuất khẩu lao động sang Australia trong năm qua để tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn trong bối cảnh đồng Yên yếu.
"Nhìn từ khía cạnh thu nhập thì công việc này tốt hơn nhiều. Nếu muốn tích góp tiền bạc thì Australia là một địa điểm nên đến", anh Tomoki, 25 tuổi hiện đang kiếm được 5.000 Dollar Australia (3.300 USD) tại Goulbourn cho hay.
Tìm đường sống
Hàng loạt các nền kinh tế như Anh, Canada, New Zealand nới lỏng visa trở lại hậu đại dịch đã thu hút lượng lớn lao động nhập cư từ Nhật Bản bất chấp nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này cũng đang thiếu nhân lực.
Giới trẻ Nhật Bản hiện nay chẳng mấy quan tâm đến câu chuyện thị trường nội địa thiếu việc làm khi đồng Yên yếu và mức tăng lương không theo kịp đà lạm phát.
Số liệu của tờ Nikkei Asian Review cho thấy mức lương tại Nhật Bản đã tăng mạnh nhất 33 năm qua, thế nhưng nếu tính lạm phát thì lại đang giảm 23 tháng liên tiếp.
Thêm vào đó, rủi ro giảm phát kéo dài hàng chục năm, văn hóa làm việc đến chết và thiếu cơ hội thăng tiến khi lớp người cao tuổi vẫn chăm chỉ làm việc khiến thanh thiếu niên Nhật Bản buộc phải hướng đến thị trường xuất khẩu lao động.
"Giới trẻ Nhật Bản ngày nay đang nghi vấn về tương lai nền kinh tế bởi vì điều kiện sống hiện nay khó khăn hơn rất nhiều so với những chỉ số tích cực mà chính phủ công bố", chuyên gia kinh tế Yuya Kikkawa của Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho biết.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) mới đây đã chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài 17 năm qua khi cho rằng đà tăng lương đã thúc đẩy được lạm phát, qua đó đưa nền kinh tế thoát khỏi rủi ro giảm phát.
Tuy nhiên khó khăn lại nảy sinh khi mức tăng lương không theo kịp lạm phát khiến giới trẻ nước này phải bỏ ra nước ngoài kiếm việc.
Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy năm 2022, mức lương bình quân tại Nhật Bản là 41.509 USD, thấp hơn nhiều so với 59.408 USD tại Australia và 77.463 USD tại Mỹ.
Trước đây giới trẻ Nhật Bản vẫn chấp nhận mức lương thấp hơn so với nước ngoài này vì có một công việc đảm bảo hết đời cùng mức giá cả ít biến động. Nói đơn giản là lạm phát thấp gây rủi ro giảm phát, nhưng lại phù hợp với mức lương không cao.
Tuy nhiên mọi chuyện đã chấm dứt khi lạm phát ở Nhật Bản đang ở mức cao trong nhiều thập niên qua. Người dân Nhật Bản bắt đầu phải tiết kiệm nhiều hơn trước cơn bão tăng giá, còn mức lương thì không tăng theo kịp.
"Tiền lương tính theo lạm phát tại Nhật Bản hầu như chẳng tăng chút nào trong 20 năm qua trong khi các nước khác đều đi lên. Với việc đồng Yên yếu đi, khoảng cách này càng bị nới rộng", chuyên gia kinh tế Atsushi Takeda tại Viện nghiên cứu Itochu nói.
Số liệu của OECD cho thấy mức lương bình quân tại Nhật Bản năm 1991 là 37.866 USD, tức mức tăng không đáng kể nếu so sánh với hiện nay. Trái lại mức lương bình quân ở Mỹ đã tăng 1,5 lần. Thậm chí ngay cả Hàn Quốc cũng có mức lương bình quân 42.747 USD vào năm 2021 và đã vượt qua Nhật Bản kể từ năm 2015.
Xuất khẩu lao động
Số liệu chính thức cho thấy khoảng 14.398 người Nhật đã được cấp thị thực làm việc tại Australia trong năm tài khóa 2022-2023, mức cao nhất kể từ năm 2001.
Hiện xứ sở chuột túi đang là điểm đến ưa thích của lao động xuất khẩu Nhật Bản do được đánh giá là an toàn, có múi giờ tương tự quê hương cũng như đã nới lỏng quy định về visa cho người nước ngoài.
Tại Canada, khoảng 7.996 lao động Nhật Bản cũng đã được cấp thị thực 10 tháng đầu năm 2023, trong khi con số này là 2.404 người ở New Zealand. Con số này được dự đoán còn tăng mạnh khi chính sách thị thực cho lao động nhập cư tiếp tục được nới lỏng.
"Ngày càng nhiều bạn trẻ Nhật Bản xuất khẩu lao động và nếu xu hướng này tiếp tục, nền kinh tế Nhật Bản sẽ khó tuyển dụng nhân lực hơn nữa", chuyên gia kinh tế Harumi Taguchi của S&P Global Market Intelligence nhận định.
Báo cáo chính thức của Bộ ngoại giao Nhật Bản cho thấy số công dân nước này thường trú tại nước ngoài năm 2023 ở mức cao nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi từ năm 1989.
Trong khi đó, số liệu của Teikoku Databank cho thấy hơn 2/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản đối mặt tình trạng thiếu lao động. Số vụ doanh nghiệp phá sản tại đây do thiếu nhân lực đã đạt mức kỷ lục năm 2023.
*Nguồn: Nikkei, WSJ