Thời sự

Đơn giá chưa hồi phục, doanh nghiệp thận trọng ký kết hợp đồng xuất khẩu

Lượng đơn hàng đã quay trở lại nhưng sự cạnh tranh mạnh mẽ với các thị trường xuất khẩu khác đang khiến đơn giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm sâu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều hiệp hội khuyến nghị, doanh nghiệp nên thận trọng trong ký kết hợp đồng ở giai đoạn này, cũng như liên kết với nhau để tổ chức chuỗi cung ứng tốt hơn, đưa ra giá phù hơn, tránh như năm ngoái mức giá "chạy đua" xuống đáy.

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Mỹ, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 7/2024.

Tuy vậy, ông Trịnh cho biết, mức giá hiện nay chưa có cải thiện nhiều so với năm 2023 nên doanh nghiệp đang ký kết đơn hàng ở khoảng ngắn để lựa chọn thời điểm chốt đơn hàng với mặt bằng giá tốt hơn.

“Hiện tại, dù có đơn hàng nhưng sự cạnh tranh của hàng may mặc giữa các nước trên thế giới khiến giá thành chưa có sự cải thiện. Doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện về năng suất và chất lượng đề bù đắp về giá”, ông Trịnh chia sẻ.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong năm 2023, ngành dệt may đã trải qua rất nhiều khó khăn chưa từng có với kim ngạch xuất khẩu đạt chưa đến 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Ngoài đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp còn phải nhận những đơn hàng không phải là thế mạnh với đơn giá rất thấp, thậm chí bị lỗ để duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). (Nguồn: Nguyễn Ngọc)

Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý III. Với tín hiệu tích cực này, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong trong quý I ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, dù đơn hàng đã quay trở lại nhưng đơn giá chưa thể phục hồi kỳ vọng, chỉ tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái.

“Các doanh nghiệp đang hết sức thận trọng trong việc ký kết hợp đồng bởi khi đơn giá cao lên thì sẽ bị thua thiệt", ông Cẩm thông tin.

Không chỉ trong ngành dệt may, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9%.

Tuy nhiên, do quý I/2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm ở ở mức rất thấp (đạt 2,813 tỷ USD, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2022). Do đó, mức tăng 18,9% trong quý I vẫn thấp hơn kỳ vọng. Đáng quan ngại, hầu hết doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều khiến phần làm thì nhiều nhưng giá trị ít.

“Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào các thị trường với tư cách là các doanh nghiệp, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia khiến cho cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều, khiến đơn giá bị kéo xuống thấp”, ông Hoài lý giải.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST). (Nguồn: Nguyễn Ngọc) 

Cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch VIFOREST, do đơn giá thấp, nhiều doanh nghiệp chưa dám chưa dám dự trữ nguồn nguyên liệu để tăng tốc sản xuất, ngoại trừ một số doanh nghiệp có lợi thế nhất định đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể phục hồi nhanh hơn.

Do đó, ông Hoài cho rằng, để nâng được đơn giá, các doanh nghiệp cần có sự liên kết nhiều với nhau hơn, thậm chí cần bắt tay với nhau để tổ chức chuỗi cung ứng tốt hơn. Về phía Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để doanh nghiệp hợp nhất, đồng lòng liên kết chặt chẽ với nhau kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

“Hiệp hội chúng tôi cũng chỉ mang tính khuyến nghị mềm, chưa đủ sức thuyết phục doanh nghiệp, sự hợp tác còn kém”, Phó Chủ tịch VIFOREST nêu rõ.

Dự báo về diễn biến thị trường sắp tới, ông Hoài cho rằng, hàng tồn kho của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm đi và các nước này đã bắt đầu đặt hàng trở lại. Vì vậy, xuất khẩu gỗ sẽ khởi sắc trong năm nay và mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023 sẽ nhiều khả năng đạt được.

Còn theo đại diện VITAS, nếu tình hình không có những biến động lớn thì ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (tương đương với năm 2022 đạt mức cao nhất).

Tuy vậy, trong bối cảnh đơn giá chưa được cải thiện, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp nên trao đổi với nhau, liên kết với nhau để khách hàng đưa ra giá phù hơn, tránh như năm ngoái mức giá "chạy đua" xuống đáy.

Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt các thị trường khác do chi phí sản xuất thấp hơn (15%) do chi phí nhân công rẻ và được hỗ trợ về thuế phí do là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, ông Cẩm kiến nghị, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành như ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm