Quý II chứng kiến bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán có nhiều biến động, không chỉ ở những con số tăng trưởng ấn tượng mà còn ở chiều ngược lại – khi số lượng công ty báo lỗ bất ngờ gia tăng.
15 trong số 17 công ty thua lỗ quý này từng có lãi cùng kỳ năm ngoái, phản ánh những thay đổi sâu sắc về động lực sinh lời, khả năng kiểm soát chi phí và độ nhạy với thị trường của từng đơn vị trong bối cảnh rủi ro thị trường và cạnh tranh nội ngành ngày càng gia tăng.
Đây là quý hiếm hoi ghi nhận mức chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tổng ngành và suy giảm lợi nhuận tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm có quy mô nhỏ hoặc thị phần hạn chế. Đáng chú ý, có những đơn vị từng báo lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý II/2024 nhưng sang năm nay đã lỗ sâu, phản ánh mức độ phân hóa ngày càng rõ rệt của thị trường.
Tiêu biểu cho xu hướng chuyển trạng thái là Chứng khoán Tiên Phong (TPS – Mã: ORS). Công ty ghi lỗ sau thuế 106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lãi 101 tỷ đồng. Doanh thu giảm gần một nửa, chủ yếu do thị trường không thuận lợi và chiến lược tái cấu trúc nội bộ.
TPS cho biết các tháng đầu quý II là giai đoạn điều chỉnh mạnh khiến doanh thu lao dốc, chi phí chưa giảm kịp. Tuy vậy, từ tháng 6, công ty bắt đầu ghi nhận kết quả khả quan hơn và vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận cả năm 111 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã: VDS), đơn vị có vốn hoá trên nghìn tỷ đồng. Trong quý II/2024, công ty mẹ từng báo lãi hơn 121 tỷ đồng nhưng sang năm nay đã lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng.
Rồng Việt cho biết các yếu tố như chính sách thương mại, biến động địa chính trị và sự sụt giảm thanh khoản bình quân trên thị trường khiến doanh thu hầu hết các mảng đều suy giảm mạnh. Công ty phải trích hơn 26 tỷ đồng vào chi phí do đánh giá giảm danh mục đầu tư.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).
Trường hợp lỗ nặng tiếp theo là Chứng khoán BOS (Mã: ART) với mức lỗ hơn 38 tỷ đồng – quý lỗ thứ 10 liên tiếp và sâu thứ hai kể từ khi hoạt động. Doanh thu giảm 78% còn 73 tỷ đồng, trong khi chi phí gấp 6 lần. Công ty cũng không thuyết minh chi tiết nguyên nhân khoản chi phí khác hơn 42 tỷ đồng – yếu tố chính khiến BOS lỗ lớn. Lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6 là 903 tỷ đồng.
Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) cũng rơi vào trạng thái lỗ 27 tỷ đồng, đảo chiều mạnh so với quý II/2024. Trí Việt giải thích sự sụt giảm đến từ biến động thị trường và yếu tố thuế quan, địa chính trị ảnh hưởng đến kết quả tự doanh.
Ngoài ra, còn nhiều công ty khác từng có lãi nhưng đã lỗ trở lại như Chứng khoán EVS (lỗ 8 tỷ đồng), APG (7 tỷ đồng), VISC – Mã: VIG (17 tỷ đồng), hay VTGS (10 tỷ đồng).
Chứng khoán EVS (Mã: EVS) cho biết nguyên nhân lỗ 8 tỷ đồng trong quý II đến từ việc khối lượng giao dịch thấp khiến doanh thu môi giới và cho vay giảm. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm trong kỳ cũng khiến danh mục tự doanh chịu ảnh hưởng, làm tăng phần chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính.
Chứng khoán APG (Mã; APG) lỗ 7 tỷ đồng, chủ yếu do thua lỗ từ hoạt động tự doanh, trong đó nổi bật là các khoản lỗ từ việc bán tài sản tài chính.
Đối với các công ty có quy mô nhỏ, tình hình cũng không khả quan hơn. Chứng khoán CV (CVS) – công ty liên quan đến hệ sinh thái MoMo – tiếp tục báo lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý II dù doanh thu tăng hơn 140%. Chi phí hoạt động và quản lý vẫn lớn hơn đáng kể so với thu nhập khiến doanh nghiệp kéo dài chuỗi lỗ sang quý thứ 12 liên tiếp. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 đã chạm 135 tỷ đồng.

17 CTCK báo lỗ trong quý II; (*) KQKD riêng. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý II).
Sự phân hóa trong ngành chứng khoán đang trở nên rõ rệt hơn khi các công ty top đầu vẫn báo lợi nhuận hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, còn phần lớn các công ty quy mô nhỏ đang phải đối mặt với bài toán sống còn.
Đa công ty trong danh sách lỗ không có thị phần môi giới đáng kể, quy mô vốn điều lệ ở mức thấp và hoạt động chủ yếu dựa vào tự doanh hoặc margin – hai mảng chịu ảnh hưởng mạnh khi thị trường biến động.
Xu hướng chuyển từ lãi sang lỗ của 15 công ty trong một quý là tín hiệu đáng lưu ý, cho thấy những rủi ro đang tích tụ ở nhóm doanh nghiệp thiếu nền tảng tài chính vững chắc. Trong bối cảnh thị trường tiếp tục khó lường, bài toán tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và xây dựng nguồn thu ổn định sẽ trở thành vấn đề sống còn đối với nhóm công ty này.

"Phân cực lợi nhuận". (Ảnh minh hoạ: X.N).