Theo dữ liệu từ Wichart, thị trường hiện có 453 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong số này có khoảng 400 doanh nghiệp có lãi ròng (chiếm tỷ trọng 88%), đặc biệt có 40 đơn vị đã có lãi ròng trên trăm tỷ đồng (khoảng 9%).
253 công ty, chiếm gần 56% trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó có 64 đơn vị báo lãi tăng trưởng trên ba con số.
Một số công ty ghi nhận kết quả tích cực như Thủy sản Nam Việt (Navico), Chứng khoán VIX, Điện lực Gelex, Điện lực Nhơn Trạch 2, Đô thị Công nghiệp số 2, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, DAP Vinachem, Xi măng Hà Tiên, Dệ may TNG, Cảng Đồng Nai...
Những khoản lãi lớn nhất
Trong số các công ty đã công bố theo Wichart (ngoại trừ nhóm ngân hàng), Tập đoàn FPT (Mã: FPT) đang là công ty có lợi nhuận lớn nhất hiện tại. Tập đoàn này vẫn tăng trưởng ổn định với lãi ròng kỷ lục 2.257 tỷ đồng, tăng hơn 20%.
Chứng khoán VIX (Mã: VIX) xếp ngay phía sau với lợi nhuận trước thuế đạt 1.603 tỷ đồng, bao gồm 596 tỷ đồng đã thực hiện và 1.006 tỷ đồng chưa thực hiện. Công ty lãi ròng 1.302 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ và cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Một số công ty chứng khoán khác cũng có kết quả tích cực như Chứng khoán SHS lãi ròng 383 tỷ đồng, hay VNDirect lãi 369 tỷ đồng...

Nguồn: Huy Lê tổng hợp từ Wichart.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) bị chững lại khi ghi nhận ãi ròng 854 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này gây chú ý khi đang gửi tiết kiệm hơn 12.000 tỷ đồng vào ngân hàng.
Điện lực Gelex (Mã: GEE) ghi nhận doanh thu cao kỷ lục hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 566 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận quý cao thứ 2 trong lịch sử.
Gemadept (Mã: GMD) cũng bứt tốc trong quý II khi lợi nhuận ròng tăng 28% so với cùng kỳ lên 423 tỷ đồng và cao nhất kể từ quý II/2024, nhờ hoạt động khai thác cảng và nguồn thu tài chính tăng mạnh.
Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng, tăng 204 tỷ đồng so với quý II/2024, tương ứng mức tăng 167%. Giá vốn giảm mạnh là nguyên nhân chính giúp biên lợi nhuận của công ty nhảy vọt.
Ông lớn ngành cá tra là Công ty cổ phần Nam Việt (Navico - Mã: ANV) ghi nhận doanh thu thuần 1.726 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức doanh thu hàng quý cao nhất từ trước đến nay.
Giá vốn giảm xuống và chi phí hoạt động được tiết giảm càng làm lợi nhuận ròng tăng đột biến lên 333 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lỗ sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất mà công ty từng ghi nhận.
Những công ty lỗ nặng
Ở chiều đối lập, CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Mã: ABS) đang là đơn vị lỗ nặng nhất với con số âm gần 270 tỷ đồng trong quý II, kéo lỗ lũy kế đến nay lên mức 198 tỷ đồng.
Công ty cho biết ảnh hưởng từ các xung đột quốc tế làm kinh doanh khó khăn, nông dân giảm diện tích cây trồng, giảm đầu tư dẫn đến nhu cầu phân bón giảm, nhu cầu nhiên liệu của các đơn vị thi công xây dựng giảm.
Do đó doanh thu phân bón, xăng dầu của công ty cũng giảm theo. Ngoài ra, công tu còn phải trích lập dự phòng nợ khó đòi khiến khoản lỗ tăng mạnh.

Nguồn: Huy Lê tổng hợp từ Wichart.
Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) cũng thuộc nhóm lỗ ròng trăm tỷ đồng và nâng lỗ từ đầu năm lên 113 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm mạnh ở mảng tự doanh, nguồn thu quan trọng ở các kỳ kinh doanh trước đây.
Cũng từ tháng 4/2025, cổ phiếu ORS đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo, do báo cáo kiểm toán năm 2024 có ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản đầu tư trái phiếu.
Công ty bán phôi thép Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) tiếp tục trượt dài khi lỗ thêm 92 tỷ đồng trong quý vừa qua, nâng tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên 296 tỷ đồng. Kết quả do sản lượng phối thép giảm phân nửa cùng kỳ và giá bán giảm gần 9%.
Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Mã: ING) cũng lỗ lớn 77 tỷ đồng, qua đó kéo lỗ lũy kế lên trên 470 tỷ đồng. Đơn vị giải thích do không phát sinh doanh thu (dự án Khu dân cư Investco Green City đang trong quá trình triển khai hoàn thiện pháp lý), trong khi vẫn phải trả những khoản bắt buộc như chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính để sớm hoàn thiện dự án.