Khi sinh viên kinh doanh quà tặng Valentine
Cận kề Valentine, điện thoại của Nguyễn Ngọc Linh (sinh viên ngành Marketing tại Hà Nội) luôn trong tình trạng "cháy máy" bởi những đơn đặt hàng quà tặng Valentine tới tấp. Đây là năm thứ 2 cô nàng kinh doanh mặt hàng socola "handmade" mùa lễ tình nhân 14/2.
Socola là biểu tượng của tình yêu nên kinh doanh mặt hàng này dịp Valentine là vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, trong thời buổi người người nhà nhà đều có thể bán hàng trên mạng như hiện nay, việc lựa chọn một mặt hàng "độc lạ" để tăng tính cạnh tranh là vô cùng quan trọng. Sau nhiều lần suy tính, Linh quyết định tự làm Chocolate Truffle - một loại socola đang nổi đình nổi đám dạo gần đây trên TikTok, để kinh doanh.
Được biết, loại socola "handmade" này được Linh làm với những hình thù ngộ nghĩnh như trái tim, ngôi sao… theo yêu cầu của người mua. Sản phẩm kỳ công như vậy nhưng giá chỉ từ 120.000 đến 500.000 đồng tùy mẫu mã.
"Vì đây là một loại đồ ăn khá dễ làm mà cũng phù hợp với chủ đề Valentine nữa nên mình đã quyết định tự làm để kinh doanh luôn. Nguyên liệu thì cực kỳ đơn giản, chỉ gồm ca cao và sữa đặc là có thể làm được rồi. Đắt nhất trong chi phí nguyên liệu của mình chủ yếu đến từ món đồ decor trang trí vì phần hình bên ngoài là yếu tố cực kỳ quan trọng để quyết định xem khách hàng có mua hay không", Linh chia sẻ.
Một số mẫu sản phẩm quà tặng Valentine mà Ngọc Linh bán
Tính sơ sơ đến thời điểm hiện tại, Ngọc Linh đã bán được hơn 50 set quà. Bên cạnh chất lượng tốt thì một yếu tố khiến sản phẩm của Linh "đắt như tôm tươi" là cô nàng biết cách PR mọi thứ. Học về chuyên ngành Marketing, cộng thêm với đó là có những kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực content nên Linh rất giỏi trong việc quảng bá sản phẩm đến tệp khách hàng của mình.
"Thật ra công việc kinh doanh này chỉ là phụ thôi, việc chính của mình là viết content ở một công ty truyền thông khá có tiếng. Những kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm content cộng với kiến thức mà mình học được trên trường đã giúp bản thân rất nhiều trong việc quảng bá cũng như bán được sản phẩm. Đây chính xác là áp dụng lý thuyết vào trong thực tiễn đấy", Linh hào hứng chia sẻ.
Không giống như Ngọc Linh, Giang Ngọc Anh (sinh viên năm 2, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) - một người có "thâm niên" trong lĩnh vực bán hàng online, lại chọn cách nhập hàng từ nước ngoài về để bán. Được biết, Ngọc Anh đang bán sản phẩm Nama Chocolate Royce xách tay từ Nhật Bản giá 250 nghìn đồng/hộp với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Còn hoa phục vụ cho lễ tình nhân thì cô bạn tìm nguồn nhập từ nội địa.
Giang Ngọc Anh chọn cách nhập hàng từ nước ngoài về để bán. Ảnh: NVCC
Ngọc Anh chia sẻ: "Valentine thì hầu hết ai cũng muốn mua quà tặng crush, người yêu, người nhà, hoặc có thể mua tặng chính bản thân mình. Có thể nói, đây chính là cơ hội tốt để kinh doanh. Năm nay, trộm vía là mình bán được cũng kha khá, tầm 30-50 sản phẩm".
Đáng nói, tương tự như Ngọc Linh, việc bán hàng online này thật ra chỉ là công việc Ngọc Anh làm thêm để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, cô bạn còn đang làm cả telesale tại một chuỗi cửa hàng công nghệ có tiếng khác. Việc các bạn trẻ ngày nay cực khi năng động khi tận dụng mọi cơ hội để mở rộng thu nhập của bản thân là điều không còn quá mới mẻ.
Sản phẩm Nama Chocolate Royce mà Ngọc Anh bán
Ở một diễn biến khác, cũng có không ít sinh viên phải chịu cảnh "ế" khách dù đang trong cao điểm mùa lễ hội. Đó chính là câu chuyện của Phạm Thùy Tiên (sinh viên năm 1, ngành Tài chính Ngân hàng, Học viện Ngân Hàng).
Trái ngược với nhiều người, cô bạn chọn hình thức nhập sẵn hàng về trước rồi mới bán chứ không phải bán trung gian. Đăng bài "chào hàng" trước một tuần, nhưng hiện tại số sản phẩm mà Thùy Tiên bán được mới lác đác một vài đơn, chủ yếu là bán cho bạn bè thân thiết. Đây năm đầu tiên Thùy Tiên tập tành kinh doanh online, mới "chân ướt chân ráo" vào nghề nên không có gì khó hiểu khi những mặt hàng của cô bạn không được... quan tâm nhiều.
"Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ", Thùy Tiên đáp lại khi được hỏi về những yếu tố để bán được hàng. Mới xuống Hà Nội, cô bạn chưa quen biết nhiều nên độ lan tỏa chưa thực sự mạnh mẽ. Thậm chí, cô bạn còn bắt bạn bè chia sẻ bài đăng bán giỏ quà Valentine của mình lên Facebook, Instagram... nhưng "xôi hỏng bỏng không", tình hình vẫn không mấy khả quan.
Cô bạn ngậm ngùi chia sẻ: "Nếu hết 14/2 mà số hàng của mình vẫn tồn kho nhiều thế này chắc mình phải hạ giá bán rẻ để xả hàng. Thôi thì bán được chừng nào hay chừng đấy. Lúc đấy thì chẳng quan tâm lời lỗ gì nữa, bán được là bán thôi. Năm sau chắc mình chẳng nhập về bán nữa, hoặc nếu bán thì sẽ làm theo hình thức trung gian".
Và những thứ phải đánh đổi...
Theo tìm hiểu, lợi nhuận kinh doanh hoa, set quà tặng dịp Valentine của các bạn sinh viên khá cao, có khi lên tới chục triệu đồng. Vì lý do này, không khó hiểu khi có không ít sinh viên sẵn sàng gác lại việc học tập để tranh thủ kinh doanh vào những ngày này. Theo lý giải của đa số thì đây là cơ hội "tiện cả đôi đường" vì vừa được cọ sát, thử năng lực, trau dồi kinh nghiệm kinh doanh… vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng đồng nghĩa với rất nhiều thứ sinh viên phải đánh đổi.
Với khoảng hơn 50 đơn đặt hàng socola "handmade" cho năm nay, Ngọc Linh đã phải làm việc quần quật mà gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Vì còn là sinh viên nên cô nàng vẫn vướng lịch học trên trường, không chỉ vậy công việc viết content part-time cũng ngốn không ít thời gian của Linh. Vậy nên, nữ sinh chỉ có thể tận dụng khoảng thời gian buổi tối để làm các set quà tặng cho ngày lễ tình nhân.
Linh nói: "Mấy ngày hôm nay dường như mình không đả động gì tới việc học. Thậm chí mình còn phải xin nghỉ mấy ca học thêm tiếng Anh để làm set quà tặng".
Càng sát Valentine, Linh càng bận. Có hôm cô nàng chỉ ngủ chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, và việc này tiếp diễn trong nhiều ngày vì đơn đặt hàng vẫn không ngừng tăng. Nhận thấy bản thân không thể kham được tất cả nên Linh phải nhờ thêm cả người bạn thân của mình để phụ giúp đóng gói sản phẩm.
Dẫu vất vả là vậy, nhưng cô nàng vẫn cảm thấy rất vui: "Nhiều lúc mệt thật đấy nhưng bù lại là mình có trải nghiệm đáng nhớ. Hãy nhìn mọi thứ theo cách tích cực hơn, chẳng hạn như nhờ dịp này nên mình mới có cơ hội được áp dụng kiến thức trên trường vào trong thực tế, như thế mọi chuyện sẽ trôi qua êm đẹp".
Dự tính Ngọc Linh sẽ thu nhập được khoảng từ 8-12 triệu đồng mùa Valentine năm nay. Với số tiền đó, Linh sẽ mời bạn thân của mình đi ăn một bữa ăn thật "sang chảnh". Còn số tiền còn lại, cô nàng sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng để tích trữ một khoản nho nhỏ trước khi ra trường.
Ảnh minh họa
Ngược lại, Thu Hiền (sinh viên năm 3, Học viện Tài chính) - một người kinh doanh set quà tặng dịp Valentine, lại cảm thấy không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bởi lẽ, cô bạn đã có kinh nghiệm bán hàng online từ những năm cấp 3.
Trên thực tế, set quà tặng Valentine chỉ là một mặt hàng mà Hiền chọn bán thêm vào dịp 14/2, còn bình thường không có lễ hội thì Thu Hiền cũng kinh doanh những sản phẩm khác như: mỹ phẩm, quần áo... Valentine lượng khách đúng là đông hơn một chút, nhưng cũng... chẳng nhằm nhò là bao so với khả năng làm việc của Hiền.
"Song song với việc bán hàng online thì việc học của mình vẫn rất tốt. Mình có thời gian bán hàng online rất lâu rồi nên đã quen được những áp lực, khó khăn của việc kinh doanh. Năm nay thu nhập dịp lễ tình nhân của mình khoảng 8 triệu đồng, mình sẽ sử dụng số tiền đó để chi trả học phí. Thật ra mình có thể tự lo đóng học phí từ cấp 3 rồi, chẳng qua là dịp này bán được nhiều nên cũng dôi dư ra một chút", Hiền tâm sự.
Sau tất cả, việc lựa chọn kinh doanh quà tặng dịp Valentine là quyền của mỗi người. Nó không chỉ giúp sinh viên tăng thêm thu nhập mà còn mở rộng cả làm việc kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc học tập, mỗi người nên phân chia thời gian sao cho hợp lý.