Bất động sản

Siêu dự án quan trọng 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Hơn 8.000 người làm ngày đêm xuyên lễ cùng công nghệ cao, hạng mục quan trọng nhất vượt tiến độ


Siêu dự án quan trọng 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Hơn 8.000 người làm ngày đêm xuyên lễ cùng công nghệ cao, hạng mục quan trọng nhất vượt tiến độ- Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành (Đồng Nai), có tổng diện tích gần 5.000ha và tổng mức đầu tư lên tới 16 tỷ USD (hơn 336.630 tỷ đồng). Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.

Hơn 8.000 người thi công xuyên lễ

Theo Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành, dịp lễ Quốc khánh 2/9, các nhà thầu đã huy động hơn 8.000 nhân lực, máy móc đồng loạt thi công 4 gói thầu lớn tại sân bay Long Thành, gồm: Nhà ga hành khách, đường băng, hai tuyến giao thông kết nối và đài kiểm soát không lưu.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành có tổng diện tích sàn khoảng 376.000 m2 với 1 trệt, 3 lầu đang có lượng công nhân, kỹ sư thi công đông nhất. Hiện nhà ga đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, cơ bản hoàn thành dầm sàn các lầu. Toàn bộ nhà ga hoàn thành dự kiến trước ngày 31/8/2026.

Đặc biệt, gói thầu quan trọng nhất là thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách đã thi công xong phần thô vượt tiến độ 20 ngày. Hiện tại, liên danh nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát đang chuẩn bị công tác hoàn thiện, lắp dựng kết cấu thép và các vật tư nhập ngoại để thực hiện giai đoạn tiếp theo. Dự kiến, đến cuối năm 2024 lắp dựng xong.

Về đường băng, đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành, nhà thầu đang đẩy nhanh đào đắp, thi công bê tông. Thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác đã sản xuất xong, sẽ vận chuyển về Việt Nam tháng 10, và lắp đặt vào tháng 12. Các đơn vị phấn đấu hoàn thành hạng mục đường băng trước ngày 30/4/2025.

Cùng với đó, 2 tuyến giao thông kết nối T1 và T2, liên danh nhà thầu đang cấp phối đá dăm, bắt đầu rải thử gia cố xi măng; cầu đang thi công kết cấu nhịp. Đến nay, 2 tuyến giao thông đã hoàn thành khoảng 55% khối lượng công việc, dự kiến cuối năm 2025 sẽ thông xe.

Với đài kiểm soát không lưu (cao 123m), phấn đấu đến 30/4/2025, cơ bản hoàn thiện đài kiểm soát không lưu để phục vụ bay hiệu chuẩn.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để đảm bảo tiến độ của dự án sân bay Long Thành, trong tháng 9/2024 các nhà thầu sẽ khởi công thêm 3 gói thầu mới là gói thầu 4.7; 4.8 và 4.9.

Trong đó, gói thầu 4.7 - thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác; gói thầu số 4.8 - thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không; và gói thầu số 4.9 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay.

Hàng loạt công nghệ cao được áp dụng trong các hạng mục

Tại công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành, công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành, 40 cửa lên máy bay, 72 quầy kiểm tra hộ chiếu sẽ được triển khai. Đặc biệt, công trình nhà ga hành khách được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ.

Trong đó, công nghệ AI được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học về khuôn mặt, dấu vân tay… được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không.

Từ đó, AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh... để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác.

Với tháp không lưu, radar được gắn trên đỉnh và các hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.

Về công nghệ xây dựng, ACV cho biết, trên cơ sở tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu chính, ACV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát tiến độ. Từ đó lập tiến độ thi công của các gói thầu trên đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các gói thầu chính đang thi công để tránh tối đa các xung đột, giao cắt, đảm bảo khớp nối tiến độ với các công trình chính, tạo sự đồng bộ giữa các hạng mục về mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.

Đặc biệt, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.

BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm