Tài chính

SHB sắp chuyển nhượng vốn "khủng" cho ngân hàng Nhật

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận chuyển đổi hình thức pháp lý, đồng thời cấp giấy phép thành lập và hoạt động mới cho Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance).

Cụ thể, ngày 25/4/2023, NHNN đã chấp thuận cho SHB Finance được chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sở hữu 50% vốn điều lệ và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan sở hữu 50% vốn điều lệ. Các thông tin về trụ sở công ty, loại hình kinh doanh không thay đổi.

Việc chấp thuận của NHNN là một trong những bước cuối cùng trong lộ trình chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHB Finance cho Krungsri - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản.

SHB sắp chuyển nhượng vốn 'khủng' cho ngân hàng Nhật - Ảnh 1.

Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng (Ảnh: SHB).

Theo thỏa thuận ký đầu tháng 8/2021, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Lễ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ đợt đầu tiên dự kiến tổ chức trong tháng 5/2023.

Ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB - chia sẻ, việc chuyển nhượng vốn cho Ngân hàng Krungsri sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB. Điều này cũng tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng; qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, theo nguyên tắc, thỏa thuận trong thương vụ bán SHB Finance không cho phép SHB công bố con số chi tiết.

Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định đây là mức giá "cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài" và truyền thông quốc tế đã tiết lộ con số chính xác về thương vụ.

Trước đó, đại diện của Krungsri thông tin rằng, ngân hàng này sẽ chi khoảng 156 triệu USD, tương đương 3.600 tỷ đồng cho thương vụ mua SHB Finance.

Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Con số 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 35.900 tỷ đồng) giá trị thương vụ cũng xác lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng.

Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank "rót" hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.

Mới đây, NHNN vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Đáng chú ý nhất tại dự thảo này là việc điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không quá 49% vốn điều lệ (của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc).

Theo các chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng phát triển hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn (tiếp cận được nguồn vốn, cải thiện quản trị rủi ro…) và điều này có thể phản ánh qua kết quả kinh doanh của ngân hàng trong dài hạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm