Tài chính

SSI: Thông tư 02, 03 cung cấp cho các ngân hàng công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến TPDN và cho vay BĐS

Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành liên tiếp hai Thông tư có hiệu lực ngay điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng (Thông tư 03) và quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02).

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI cho rằng tất cả những động thái này là nỗ lực của NHNN để gỡ rối cho các vấn đề của thị trường bất động sản (BĐS) trong khi chờ đợi việc sửa đổi khung pháp lý trong ngành BĐS thông qua việc ban hành các luật liên quan.

Nhìn chung, với hai thông tư này, các ngân hàng hiện được cung cấp các công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay BĐS.

Trong khi đó, người đi vay có thể có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trả nợ cho các khoản vay sắp tới. Do đó, đây là tin tức hỗ trợ cho một số đối tượng tham gia thị trường, bao gồm cả ngân hàng và người đi vay, mặc dù việc áp dụng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. 

Rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang nửa cuối năm 2024

Với Thông tư 02, SSI cho rằng người đi vay sẽ có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.

Về phía ngân hàng, áp lực lên cả bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang đến nửa cuối năm 2024.

Áp lực lợi nhuận cũng giảm bớt ít nhất trong năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024 - khi con số nợ xấu sẽ phản ánh thực tế hơn tình trạng của người đi vay.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.

Tỷ lệ bao nợ xấu trong năm 2023 trên lý thuyết sẽ tăng lên, vì tổng dự phòng bao gồm cả dự phòng cho các khoản vay đã cơ cấu, trong khi phần nợ xấu không bao gồm các khoản nợ cơ cấu. Chi phí tín dụng sẽ giảm bớt ít nhất là vào năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024. 

Ngoài ra, do không có quy định cụ thể về các ngành nghề đủ điều kiện được tái cơ cấu, các khoản vay của một số doanh nghiệp BĐS nhất định có thể được xem xét để tái cơ cấu họ có những dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ. Một số khoản vay mua nhà cũng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.  

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành BĐS vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ thông qua Thông tư 02.

Theo quan điểm của SSI, các ngân hàng có thể hưởng lợi trong năm 2023 từ Thông tư 02 là những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao đối với chủ đầu tư BĐS, như VPBank, Techcombank, MB, TPBank, HDBank…    

Về Thông tư 03, các chuyên gia cho rằng thông tư này chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề có thể phát sinh từ các trái chủ nhỏ lẻ hoặc để giải quyết vấn đề liên quan đến việc phân phối trái phiếu qua kênh ngân hàng.

Với việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, công ty chứng khoán kỳ vọng một phần rủi ro tín dụng sẽ được quay lại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, sau đó có thể được giải quyết thông qua các phương án đàm phán/cơ cấu lại thời hạn theo quy định mới của Thông tư 02.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng là rất khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN vẫn giữ nguyên tiêu chí trong Thông tư 16 là không cho phép ngân hàng mua trái phiếu với mục đích cơ cấu nợ để đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn hệ thống.

Do đó, khó có thể trông chờ vào việc ngân hàng giải cứu thị trường TPDN chỉ thông qua việc cho phép họ mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm