Bất động sản

Chủ tịch CenLand: "Nhiều chủ đầu tư Việt Nam hôm nay đang bé tí mai lớn nhanh như con ngáo ộp"

Chủ tịch CenLand: "Nhiều chủ đầu tư Việt Nam hôm nay đang bé tí mai lớn nhanh như con ngáo ộp" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch CenLand

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã: CRE) cho biết, năm vừa qua là một năm rất buồn của ngành bất động sản. Dù đã dự đoán từ trước nhưng nó còn tệ hơn cả những gì dự đoán, rất khủng khiếp.

Ông Vũ lấy dẫn chứng, những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022,  doanh thu môi giới một tháng của CenLand 300 tỷ mà đến thời điểm này mỗi tháng không nổi 20 tỷ.

"Thị trường quay đầu khủng khiếp, chúng ta cũng không biết được nó sẽ như thế nào vào thời gian tới và gần như đội sale trên thị trường "gãy" khoảng 90%. Còn đối với một số chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản Việt Nam tình trạng còn nặng nề hơn nhiều. Điều này có thể hình dung qua việc công ty đang bán hai dự án của một chủ đầu tư "tay lớn" nhưng hiện chủ đầu tư này đang nợ tiền bán hàng và cũng chưa biết bao giờ có thể đòi được", ông Vũ nói.

Chủ tịch CenLand cho rằng, việc thắt chặt tín dụng của Việt Nam quá đột ngột, sốc và mọi người chạy không kịp. Tuy nhiên, cái nguy hiểm nhất lại không phải tín dụng đột ngột mà tắc phác lý dài hạn. Trong vòng một năm qua, TP. Hà Nội chỉ duyệt 1-2 dự án mà đến tháng 5, 6 này mới được thực hiện, tức hiện giờ đang cho phép và chờ những giấy phép cuối cùng để đóng tiền đất.

Ông Vũ cho biết, thời điểm cuối năm 2021, gần như dự án nào mở ra là bán được, không cần biết giá bao nhiêu; còn giờ gần như tắc thanh khoản hoàn toàn và chủ đầu tư gặp khó.

"Cái quan trọng nhất là nhà đầu tư đi cùng mình giờ họ mới cảm nhận nỗi đau. Ban đầu mình nghĩ bình thường nhưng khi nhà đầu tư quá đau, họ gọi cho sale, sale sợ không dám nghe máy. Khi đó, mình mới nhận ra tình trạng này quá nguy hiểm. CenLand cũng như các công ty khác gần như bị gãy hệ thống bởi vì 10 bạn môi giới thì 9 bạn bỏ nghề vì không dám nghe điện thoại của nhà đầu tư", ông Vũ nói.

Chủ tịch CenLand chia sẻ rằng, bản thân CenLand bị sốc trong vòng mấy tháng trời. Ngay lập tức, lãnh đạo đi nước ngoài để tìm hiểu thì thấy thị trường của họ không hề giống Việt Nam. Ở mình, chủ đầu tư hôm nay đang bé tí mai lớn nhanh như con ngáo ộp vì đơn giản được thu tiền của khách hàng từ 70-95% nhưng ở nước ngoài không được phép làm như vậy. Ngoài ra, chủ đầu tư Việt Nam vay tiền ngân hàng cũng tương đối dễ.

Do đó, ông Vũ cho rằng, việc các chủ đầu tư Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn vốn của khách hàng và ngân hàng nên đợt vừa rồi khó khăn là chuyện quá bình thường.

Cũng theo Chủ tịch CenLand, từ năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm, chưa bao giờ bất động sản bị xuống giá, chỉ có lên. Năm 2013 Luật Đất đai ra đời, năm 2015 Luật Kinh doanh bất động sản ra đời cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, cùng với đó là gói 30.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội,… tức là có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho người mua.

Đến giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng gặp vấn đề liên quan đến pháp lý, thị trường dừng lại một chút. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 xảy ra, dòng rẻ trên khắp thế giới, thị trường lên một cách điên rồ, thăng hoa hơn cả chục năm dài.

"Nhìn chung 10 năm qua, bất động sản lên một cách kinh khủng. Đánh giá tình hình ở thời điểm hiện tại, khó khăn trong vài năm tới, không thể giải quyết ngay được. Vì thị trường giờ đã lớn, giống như một đoàn tàu dài, nếu muốn quay lại sẽ phải chờ khá là lâu, chứ không dễ như một số người lạc quan dự đoán", ông Vũ nhận định.

Dù trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chủ tịch CenLand vẫn cảm thấy may bởi lúc thị trường tốt CenLand cũng không quá hào hứng và cũng đã có sự lường trước thành ra CenLand vẫn đang trước ngưỡng cửa "mùa đông".

Mặc dù vậy vẫn cần có bài toán và giải pháp trong thời gian tới, với triết lý luôn luôn xoa dịu nỗi đau, ôm ấp nỗi đau của các nhà đầu tư, CenLand giúp gia tăng tài sản cho khách bằng các dịch vụ mới, làm sao cho thuê để có dòng tiền cho khách. "Lúc này khách đang cần mình nhất mà mình quay lưng bỏ đi thì sự nghiệp tiêu tan", ông Vũ nói.

Chủ tịch CenLand cho rằng, lúc khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Trong lúc khó khăn tiếp cận với ngân hàng như thế này, ban lãnh đạo tập trung vào M&A và đầu tư thứ cấp. Hiện nay có rất nhiều dự án hoàn thành, đặc biệt một số chung cư triển khai tương đối tốt và đang nợ ngân hàng. CenLand sẽ tiếp cận vấn đề này để mua buôn - bán buôn và mua buôn - bán lẻ. Có thể doanh số môi giới không cao nhưng doanh số về đầu tư thứ cấp và M&A tương đối tốt. Đây là kế hoạch để CenLand có thể đạt được doanh số trong năm nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm