Theo ông Thông, mỗi lần xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm sau, ban lãnh đạo thường chọn một bức tranh minh họa. Cuối năm 2019 – khi Covid chưa bùng phát, đó là con đường bằng phẳng, mây trắng nắng vàng nhưng chỉ vài tháng sau đã chuyển sang đường dốc gồ ghề, mây giông vần vũ. Bức tranh năm ngoái được dự báo mù mịt hơn khi bão tuyết ập vào, phủ kín đường đi.
Báo cáo của nhiều công ty chứng khoán khi đó nhận định PNJ là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất bởi các đợt dịch, đơn giản vì trang sức không phải mặt hàng thiết yếu nên thường đứng đầu danh sách những khoản chi tiêu phải cắt giảm khi người dân "thắt lưng buộc bụng".
Thực tế cũng chứng minh kết quả kinh doanh của công ty trồi sụt theo đồ thị đi lên hay giảm xuống của ca nhiễm. Hơn 280 cửa hàng đóng cửa trong ba tháng cao điểm khiến doanh số giảm gần 78% so với cùng kỳ, đạt mức thấp nhất từ khi niêm yết. Hoàn thành gần 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong năm tháng đầu nhưng ba tháng sau đó con số này đã lùi về 47%.
"Một thung lũng sâu được hình thành trên đồ thị lợi nhuận", ông Thông nói.
Ngược lại, khi dịch bệnh lắng xuống và sức mua hồi phục dần, doanh số lẫn lợi nhuận cũng bật mạnh lên. Ba tháng chạy nước rút cuối năm mang về cho công ty gần 7.100 tỷ đồng và lãi trên 450 tỷ đồng, đóng góp 36% và 44% vào thành quả cả năm. Chuỗi tăng trưởng lợi nhuận còn kéo dài sang những tháng đầu năm nay với mức bình quân 260 tỷ đồng mỗi tháng.
Mất 80 ngày kinh doanh và không nở ra về chiều rộng (đóng 20 cửa hàng cũ và mở 20 cửa hàng mới) nhưng doanh số công ty vẫn tăng trưởng hai chữ số lên 19.550 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận giảm 4% so với cùng kỳ.
Hai chỉ tiêu tài chính biến động trái chiều, theo ông Thông, bắt nguồn từ hai điều. Thứ nhất, công ty hạ quyết tâm không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nên bằng mọi giá phải tìm nguồn thu bù lại, ví dụ như kênh online, cửa hàng ở những nơi không bị giãn cách hoặc marketing nhắm đến phân khúc khách hàng trung đến thượng lưu ít bị ảnh hưởng bởi dịch. Thứ hai là đẩy nhanh chiến lược làm mới mình được theo hướng chuyển đổi từ "công ty sản xuất – bán vàng" thành "nhà bán lẻ hiện đại" và chuẩn bị sẵn hàng tồn kho để kích cầu ngay khi mở cửa lại.
Những thay đổi trong thời gian đi đường hầm và vượt đèo dốc vì Covid, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, có thể là tiền đề cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này. Ví dụ như việc đầu tư mạnh vào nền tảng kỹ thuật số, cải tiến công nghệ và trang bán hàng trực tuyến đang giúp công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào việc mở mới và dành chi phí cho cửa hàng vật lý.
Chính ban lãnh đạo công ty trong phiên họp thường niên cuối tuần trước cũng thừa nhận "đã ở cuối đường hầm và nhìn thấy ánh nắng mặt trời" - hai chủ thể chính trong bức tranh minh họa cho triển vọng kinh doanh năm nay.
Sự lạc quan được thể hiện rõ nhất bằng kế hoạch doanh thu tăng 32% và lợi nhuận tăng 28%, lần lượt lên 25.834 tỷ đồng và 1.319 tỷ đồng.
Không chỉ ban lãnh đạo PNJ mà các nhóm phân tích cũng đặt niềm tin vào kế hoạch này, thậm chí một số còn lạc quan hơn nhiều. Báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố cách đây một tháng cho rằng lợi nhuận năm nay có thể đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 39% và lên mức kỷ lục.
Tương tự, SSI kỳ vọng lợi nhuận của PNJ là 1.419 tỷ đồng, còn BSC cho rằng doanh nghiệp đầu ngành kim hoàn sẽ đạt 1.383 tỷ đồng bởi "xu hướng mua sắm trả thù trong ngắn hạn".
"Mục tiêu tăng trưởng rất khả thi", Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung nói.
Bà lý giải, sức mua ngành kim hoàn hai năm qua như lò xo bị nén. Lực nén càng chặt thì bung ra càng mạnh và thực tế được chứng minh bằng bước chạy đà trong quý đầu năm với doanh thu tăng trưởng 41% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng còn đến từ dư địa tăng quy mô tiêu thụ của ngành. Điều này không chỉ có giá trị trong năm nay mà có thể kéo dài đến 10 năm tới. Theo bà Dung, khách trước đây chuộng vàng miếng và trang sức có trọng lượng vàng lớn để ít mất giá bán lại nhưng khi thu nhập tăng lên, họ chú trọng mẫu mã hơn và sẵn sàng mua trọn bộ sưu tập từ nhẫn, vòng tay, hoa tai đến dây chuyền.
Kỳ vọng nối dài mạch tăng trưởng một thập kỷ của người đứng đầu công ty, theo nhóm phân tích Chứng khoán VNDIRECT, hoàn toàn có cơ sở bởi thị trường trang sức Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 6,1% trong giai đoạn 2021-2026. Trong đó, mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu chiếm khoảng 30% thị trường có thể tăng trưởng nhanh hơn 2-3 lần so với mặt bằng.
Ngoài dư địa tăng trưởng rộng mở, theo nhận định của chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), PNJ còn thêm những yếu tố nội tại khác để thúc đẩy tăng trưởng năm nay.
Thứ nhất, việc hợp tác với ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng để bán trang sức trả góp là lực đỡ quan trọng khi nhóm khách hàng thu nhập thấp chưa hoàn toàn hồi phục. Thứ hai, công ty đã mở rộng được tệp khách hàng sang nhóm trẻ tuổi hơn nên lượng khách lũy kế tăng thêm 18%.
Động lực tăng trưởng còn lại, cũng là điều được ban lãnh đạo PNJ và nhiều công ty chứng khoán nhắc đến thường xuyên trong hai năm qua, là sự thay đổi vị thế. Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ xa xỉ phẩm thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa thì việc duy trì số lượng cửa hàng như trước giúp công ty tăng nhanh thị phần. Công ty ước tính cuối năm ngoái đã chiếm 56,5% thị phần trang sức phân khúc trung và cao cấp.
"Vị thế của chúng tôi lúc ra khỏi đường hầm Covid đã tốt hơn rất nhiều lúc bước vào", bà Dung nói.