Những phiên giao dịch vừa qua, nhà đầu tư đã chứng kiến đà giảm sâu của thị trường khi hàng loạt nhóm ngành giảm sâu, nhiều mã nằm sàn la liệt. Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn "đuối sức" khi bị bao vây bởi loạt sự kiện tiêu cực, trong khi rất ít thông tin hỗ trợ.
Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường khi cả ba sàn ghi nhận hơn 800 mã giảm điểm, trong đó hàng trăm mã giảm kịch biên độ. Chốt phiên giao dịch 18/4, VN-Index mất gần 26 điểm, lùi về sát mốc 1.432 điểm – mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Tại buổi chia sẻ "Chiến lược đầu tư vượt qua tam tai chứng khoán", ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tuy mức giảm VN-Index phiên 18/4 không quá lớn chỉ tương đương 1,78% so với chỉ số, song hôm nay đã là phiên thứ 3 liên tiếp thị trường lao dốc. Nếu tính từ mức đỉnh 1.525 thiết lập hồi đầu tháng 4, VN-Index đã có 6 phiên giảm điểm, trong khi chỉ có duy nhất một phiên hồi phục. Với những cú giảm mạnh trong những phiên gần đây, thị trường đã "bay màu" gần 100 điểm chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Chính vì vậy, tuy biên độ giảm không lớn, song cũng khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, lo lắng.
Nhìn nhận trên góc độ kỹ thuật, chuyên gia VDSC cho rằng VN-Index đang tiến gần MA200, với mức hỗ trợ 1.420 điểm – đây là ngưỡng hồi phục rất tốt của thị trường. Theo chuyên gia, VN-Index khó "thủng" mốc này bởi đã liên tục có 6 phiên giảm điểm. Thêm vào đó, nhìn lại những đợt giảm của thị trường, vùng 1.420 đều thể hiện tốt vai trò hỗ trợ.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Tuy nhiên, khác với những đợt giảm trong quá khứ, đà giảm hiện tại của thị trường được cho là đến từ nhiều thông tin tiêu cực. Ba sự kiện "tam tai" tác động đến chứng khoán từ đầu năm được cho là sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc khiến cổ phiếu bất động giảm sâu, căng thẳng Nga – Ukraina khiến áp lực lạm phát dâng cao và xử lý những vi phạm trên thị trường. Đánh giá về điều này, ông Hoàng Hữu Phước cho rằng, trong quá khứ thị trường cũng từng chứng kiến và bị tác động trong nhất thời bởi nhiều thông tin xử lý vi phạm lãnh đạo.
Điểm lại một vài sự kiện tiêu biểu như vào hồi tháng 8/2012, bầu Kiên cùng loạt lãnh đạo ngành tài chính bị xử lý vi phạm cũng đã khiến chỉ số HNX giảm đến 27% chỉ trong vòng 2 tháng. Bên cạnh đó, sự kiện giá dầu tụt dốc không phanh vào năm 2014 cũng từng VN-Index cũng mất 11% chỉ trong 1 tháng.
"Câu hỏi đặt ra là nếu cho quay về thời điểm đó, nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu không? Cá nhân tôi rất mong được quay lại thời điểm đó để tỉnh táo không đặt lệnh bán, thậm chí gom mua lượng lớn. Bởi vì những sự kiện đó chỉ mang tính nhất thời, các yếu tố cơ bản vẫn sẽ là bệ đỡ giúp thị trường hồi phục và đi lên. Do đó, những thời điểm bất ổn này thường là thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu", chuyên gia VDSC chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra của các cơ quan chức năng trong việc phát hành trái phiếu của những doanh nghiệp bất động sản cũng có tác động khá lớn. Những thông tin trên có thể ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, phản ánh trên cũng được thể hiện rõ khi nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản giảm sâu. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn việc xử lý vi phạm, thanh lọc thị trường sẽ là thông tin tích cực tạo tiền đề giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Một điểm sáng trong thời điểm hiện tại là tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn thời điểm trước đó rất nhiều. "Dù ảnh hưởng bởi nhiều thông tin tiêu cực, song thị trường vẫn có sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu. Không còn có chuyện tôi đặt lệnh bán vì anh kế bên hay những room chat cùng hô bán nữa", ông Phước cho biết.
Như vậy, với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, giới chuyên gia vẫn cho rằng những nhịp điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội tốt để mua cổ phiếu. Tuy nhiên, lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn là việc ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin. Trong trường hợp lượng margin cao, nhà đầu tư nên chủ động hạ xuống mức an toàn để tránh trường hợp "margin call" dẫn tới thiệt hại trên danh mục.