Theo ông Pattarapong Kanhasuwan - Phó Chủ tịch điều hành của Nhóm Kinh doanh thế giới - Ngân hàng KASIKORN, lợi thế cạnh tranh của họ ở thị trường Việt Nam trong mảng cho vay phân khúc SMEs (doanh nghiệp nhỏ và vừa), chính là hỗ trợ toàn diện từ marketing – quản trị - pháp lý bên cạnh tài chính. Việc hướng dẫn để các SMEs ‘câu cá’ giỏi hơn là họ đang ‘quản trị rủi ro chủ động’.
Ngân hàng KASIKORN (KBank) vừa khai trương chi nhánh tại TP.HCM - đây là chi nhánh thứ 10 và cũng là chi nhánh quốc tế mới nhất của ngân hàng lớn nhất nhì Thái Lan này.
Theo KBank, với chuyên môn và 77 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại Thái Lan, họ sẵn sàng đáp ứng khách hàng từ mọi phân khúc với các giải pháp kỹ thuật số tiêu chuẩn quốc tế. Ngân hàng này hướng tới dẫn đầu thị trường cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ tại Việt Nam, với mục tiêu phục vụ 1,2 triệu khách hàng và giải ngân hơn 500 triệu USD trước năm 2023.
Có thể nói, với kinh nghiệm dồi dào tại Thái Lan, KBank đang là đối thủ đáng gờm trong mảng cho vay phân khúc SMEs tại Việt Nam. Phân khúc cho vay B2B – cụ thể là với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), startup và hộ gia đình tại Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết, với sự tham gia của 2 ‘ông lớn’ Ngân hàng Việt là Techcombank - VPBank cùng các startup ngoại như Funding Societies và Validus.
Cụ thể, theo ông Pattarapong Kanhasuwan - Phó Chủ tịch điều hành của Nhóm Kinh doanh thế giới của KBank cho rằng, nếu chỉ cung cấp các khoản vay thôi thì cũng chưa đủ để khách hàng SMEs thành công. Vì thế, KBank còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác gọi là go-beyond banking để giúp đỡ khách hàng, như marketing, quản trị nhân lực, mua hàng, kế toán…
Để làm được điều đó, KBank đã thành lập công ty đầu tư KVision với ngân quỹ khoản 245 triệu USD để đầu tư – hợp tác với các startup tiềm năng và bổ trợ được cho các khách hàng SMEs của họ ở nhiều mặt. KVision hiện đang rót vốn vào hơn 20 công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, KVision đang đầu tư vào Seedcom Group, Sendo, Kiot Viet…
Sự hợp tác giữa KVision – Seedcom Group mang lại rất nhiều lợi ích cho 2 bên: đầu tiên, KBank có thể tiếp cận lượng khách hàng mà Haravan/KiotViet/iPOS/Giao Hàng Nhanh - thành viên của Seedcom, đang có; ngược lại, KBank có thể sử dụng các dịch vụ của những startup kể trên để hỗ trợ các khách hàng khác SMEs của mình.
Bây giờ, theo vị này, chúng ta không chỉ phải đưa "cần câu" mà còn phải hướng dẫn khách hàng SMEs làm sao để "câu" tốt hơn, để họ có thể "câu nhiều con cá" cùng một lúc. Đây là cách mà KBank dùng để ‘quản trị rủi ro chủ động’. Và đây cũng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của KBank tại thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
TRỌNG TÂM CỦA KBANK Ở THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM CHÍNH LÀ PHỤC VỤ KHÁCH HÀNG SMES
Ông có thể chia sẻ về mục tiêu kinh doanh của KBank khi mở rộng thị trường và thúc đẩy hợp tác tại Việt Nam trong những năm qua?
Với câu hỏi này, tôi xin phép trả lời như sau. Thứ nhất, chúng tôi thấy được cơ hội rõ ràng tại thị trường Việt Nam bởi định hướng của chính phủ cũng như dân số ở độ tuổi lao động rất dồi dào. Và cơ hội mở rộng tại Việt Nam cũng rất lớn vì Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều nước trên thế giới.
Để mở rộng hoạt động kinh doanh, chắc chắn chúng ta cần tìm kiếm những thị trường có khả năng tăng trưởng; đồng thời có thể tương thích thế mạnh, điểm mạnh với KBank.
KBank là ngân hàng đã có 77 năm lịch sử và trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế. Hiện nay, chúng tôi tập trung năng lực của mình vào năng lực số. Và tại Thái Lan thì KBank có hơn 800 các chi nhánh khác nhau. Thế nhưng, mỗi một năm chúng tôi cũng đóng cửa một số chi nhánh để tập trung vào năng lực số và đây được xem như một trong những điểm mạnh của KBank.
Như các anh chị đã biết, KPlus (hoặc K+) được xem như nền tảng về mobile banking thông dụng nhất và phổ biến nhất tại Thái Lan với 17 triệu người dùng và 80% trong số đó là người dùng thường xuyên. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, thay vì mở rất nhiều chi nhánh tại Việt Nam, chúng tôi có thể tận dụng năng lực số để tiếp cận với khách hàng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mỗi năng lực số thì chưa đủ. Chúng tôi cũng đã hợp tác với rất nhiều nền tảng trong hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam.
Chúng tôi có KVision là nhánh đầu tiên trong ngân hàng của chúng tôi. KVision đã hợp tác với rất nhiều công ty Fintech khác nhau nằm trong nền tảng về hệ sinh thái thương mại số, giúp chúng tôi tiếp cận được với cơ sở khách hàng rộng hơn.
Như vậy, về cơ bản, chúng tôi có 2 chiến lược như sau: thứ nhất là tập trung vào năng lực số để mở rộng sự hiện diện của mình, thứ hai là khai thác cơ sở khách hàng lớn thông qua hợp tác với các đối tác trong hệ sinh thái số.
KVision có ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nào không, thưa ông?
Thật ra chúng tôi cũng xem xét rất nhiều hoạt động khác nhau, tuy nhiên, các hoạt động này phải thống nhất với sứ mệnh hoạt động của chúng tôi. Ví dụ như chúng tôi sẽ không đầu tư vào mảng game mà thay vào đó là cách lĩnh vực như sức khoẻ công nghệ, y tế công nghệ hay giáo dục công nghệ.
KBank tham gia rất tích cực vào hoạt động cho vay với các doanh nghiệp SMEs. Tại Việt Nam, KBank đang liên kết với nhiều nền tảng hỗ trợ thương mại điện tử như Sendo, Haravan, KiotViet. Ông nghĩ thế nào về thị trường cho vay với SMEs và khởi nghiệp tại Việt Nam?
Trọng tâm là chúng tôi tập trung khai thác vào điểm mạnh của mình, chính là hoạt động kinh doanh, phục vụ cho các các khách hàng SMEs, khách hàng vi mô. Chúng ta biết các doanh nghiệp SMEs, vi mô là động lực phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào. Đồng thời, các nhóm này cũng cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết.
Hầu hết, các doanh nghiệp SMEs trong danh sách của chúng tôi và chúng tôi biết, sau 2 năm hoạt động, họ phải rời ngành do phá sản hoặc thất bại. Trong thời điểm khủng hoảng – ví dụ như trong Covid-19, đây cũng chính là các nhóm chịu tổn thương nhiều nhất do thiếu nguồn vốn hoặc khả năng tiếp cận vốn của họ thấp.
Tuy nhiên, với KBank, chúng tôi nghĩ rằng nếu chỉ cung cấp cho họ các khoản vay thôi thì cũng chưa đủ để họ thành công.
Vì thế, chúng tôi cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác gọi là go-beyond banking để giúp đỡ khách hàng. Tôi nghĩ rằng đây là yếu tố để tạo nên sự khác biệt cho ngân hàng chúng tôi. Ở tại thị trường Thái Lan và Trung Quốc thì chúng tôi đã triển khai các dịch vụ này được gọi là ‘hệ sinh thái giải pháp kinh doanh’ để giúp đỡ khách hàng bên cạnh nguồn vốn.
KBANK ‘QUẢN TRỊ RỦI RO CHỦ ĐỘNG’ BẰNG CÁCH HƯỚNG DẪN KHÁCH HÀNG ‘CÂU’ ĐƯỢC NHIỀU CÁ HƠN
Ông có thể nói rõ về các dịch vụ phía sau ngân hàng - go-beyond banking?
Chúng tôi bắt đầu bằng việc nhìn vào chuỗi giá trị của mình. Chúng ta biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ thiếu rất nhiều năng lực như marketing, quản trị nhân lực, mua hàng, kế toán, thậm chí là khả năng nhận được các tư vấn về pháp lý cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều. Rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cung cấp những dịch vụ này dưới dạng công nghệ - nền tảng.
KBank thông qua KVision - một tổ chức của chúng tôi đã đầu tư vào rất nhiều nền tảng quản lý – các startup, để có thể cung cấp những năng lực nói trên. Ban đầu, các khách hàng của chúng tôi có thể nhận được các dịch vụ miễn phí hoặc với mức chiết khấu cao để xây dựng được năng lực riêng cho mình.
Ngày xưa chúng tôi vẫn nghĩ rằng: nên đưa cần câu cho họ thay vì con cá nhưng ngày nay, câu chuyện phải đi xa hơn thế. Chúng tôi không chỉ phải đưa cần câu mà còn phải hướng dẫn họ làm sao để câu tốt hơn, để họ có thể câu nhiều con cùng một lúc.
Đây có thể coi là một lợi thế cạnh tranh của KBank tại Việt Nam không, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay kinh doanh B2B?
Đúng vậy, chúng tôi đã nhìn vào thị trường ngân hàng hiện nay. Hầu hết, các ngân hàng thường tập trung vào việc cho vay, làm thế nào để cho vay nhanh hơn, xử lý các khoản vay nhanh hơn và ít rủi ro hơn. Để ít rủi ro hơn, đa phần họ đều tập trung vào các thuật toán của trí thông minh nhân tạo để thẩm định rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ về lâu dài, không thể đoán trước được tương lai dù cho thuật toán có thông minh đến như thế nào đi nữa.
Vì thế, chúng tôi mới tập trung vào xây dựng năng lực cho khách hàng của mình, giúp họ nâng cao cơ hội thành công đồng thời chúng tôi cũng giảm thiểu được rủi ro của mình hơn. Đó là cách hoạt động mà chúng tôi gọi đó là ‘quản trị rủi ro chủ động’.
Nhiều ý kiến cho rằng nông sản của Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh trực tiếp trên thị trường quốc tế. Ông nghĩ sao về nhận định này? Liệu dịch vụ cho vay dành cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản sang Thái Lan hoặc sang châu Âu và Mỹ có mâu thuẫn với sứ mệnh thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan của KBank không?
Sứ mệnh của chúng tôi là giúp tất cả khách hàng của mình tiếp cận các giải pháp kinh doanh tối ưu, không quan trọng họ đến từ Việt Nam, Thái Lan hay bất cứ quốc gia nào khác. Vì nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên các quốc gia được kỳ vọng là sẽ phải cạnh tranh với nhau.
Nhưng khi nhìn xa hơn, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội hợp tác giữa các nước trong khu vực để có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng việc mở rộng kinh doanh với tư cách là một ngân hàng khu vực là điều rất quan trọng.
Chúng tôi mong muốn có thể mang đến cho các doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia cơ hội hợp tác, phát triển và cùng nhau thúc đẩy quá trình khu vực hóa nền kinh tế.
Cảm ơn ông rất nhiều!
Ngân hàng KASIKORN Thái Lan đã có mặt tại 16 quốc gia trên thế giới, và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 20 triệu khách hàng, trong đó có 1,85 triệu người trong khu vực AEC+3 (Cộng đồng kinh tế ASEAN và Nhật Bản – Trung Quốc – Hàn Quốc). Ngoài ra, KBank hiện có 82 đối tác tài chính trên toàn cầu và đang đầu tư vào hơn 20 công ty khởi nghiệp thông qua quỹ KVision.