Một mặt, ông Dimon khẳng định "kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng". "Cả thị trường lao động và sức chi tiêu tiêu dùng đều ở trong trạng thái khỏe mạnh". Tuy nhiên, ngay sau đó ông đã đưa ra một loạt dấu hiệu cảnh báo.
"Căng thẳng địa chính trị, mức lạm phát cao, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, sự mơ hồ xung quanh việc lãi suất sẽ tăng cao đến đâu và chính sách thắt chặt định lượng mạnh mẽ chưa từng thấy cùng những tác động lên thanh khoản của TTCK toàn cầu, cộng với những căng thẳng ở Ukraine và những diễn biến trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tất cả đều gây ra những tác động tiêu cực lên nền kinh tế".
Những bình luận nói trên được Dimon đưa ra trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý II của JPMorgan Chase, trong bối cảnh các nhà đầu tư cũng như giới chuyên gia kinh tế đang cố gắng dự đoán liệu kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.
Các số liệu kinh tế mới nhất vẽ ra bức tranh trái chiều về kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ít nhất thì ở thời điểm hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái, theo nhận định của các lãnh đạo ngân hàng JPMorgan.
Theo Dimon, thị trường lao động vẫn đang khá khỏe mạnh. Tháng trước, kinh tế Mỹ có thêm 372.000 việc làm, vượt mức dự báo 250.000 được đưa ra trước đó. Tiền lương trung bình theo giờ cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng ở mức 0,2% trong tháng 5, thấp hơn một chút so với dự báo. Người tiêu dùng mạnh tay chi cho các lĩnh vực không thiết yếu như du lịch và ăn hàng. Và tại mảng ngân hàng tiêu dùng của JPMorgan, tổng chi tiêu qua thẻ ghi nợ và tín dụng tăng trưởng 15% trong quý II.
Tuy nhiên bên cạnh đó là những tin xấu. Chỉ số giá tiêu dùng CPI – thước đo lạm phát phổ biến nhất – tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981 và cũng vượt dự báo. Nguyên nhân lớn nhất là do giá năng lượng tăng vọt. Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã tăng hơn 28% kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga làm dấy lên nỗi lo về nguồn cung.
Giá cả tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng Mỹ. Chỉ số niềm tin tiêu dùng do ĐH Michigan thống kê đã giảm xuống còn 50 điểm trong tháng trước, mức thấp kỷ lục.
Áp lực lạm phát buộc Cục dự trữ liên bang (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn so với dự báo của các nhà đầu tư. Tháng trước Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, và phố Wall dự báo trong cuộc họp tháng 7 (sẽ diễn ra vào tuần sau), Ủy ban thị trường mở sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm.
Lạm phát còn ảnh hưởng mạnh đến chính trường Mỹ. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Pew, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đã sụt giảm xuống chỉ còn 37% với đa phần người Mỹ nhận định các chính sách của ông đang khiến sức khỏe nền kinh tế xấu đi. Cũng trong khảo sát này, chỉ 13% người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt.
Tháng trước, Dimon cảnh báo nhà đầu tư hãy chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cơn bão sắp ập đến với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tham khảo CNBC